Ở tuổi 18, cô sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM Nguyễn Thị Thùy Trang đã có quyết định gây chú ý: Đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Tình người là món quà vô giá
Năm 16 tuổi, Trang từng có giai đoạn bị bệnh. Cô chiêm nghiệm: "Sự ra đi của người này sẽ ý nghĩa biết bao khi lại tiếp nối sự sống cho người khác" và thổ lộ nguyện vọng hiến tặng mô, tạng sau khi mất song không được gia đình ủng hộ. Phản ứng của người lớn không phải là chuyện lạ. Ai nấy thường khó chấp nhận chuyện thi thể người thân không còn nguyên vẹn khi từ trần. Theo quy định của pháp luật, khi ấy Trang cũng chưa đủ tuổi đăng ký hiến tặng mô, tạng mà không có sự đồng ý của cha mẹ nên cô tạm gác ý định.
Thùy Trang từng đọat giải cuộc thi “ Đại sứ Văn hóa Đọc”; đạt giải ba cấp tỉnh môn Ngữ Văn, giải thưởng Lê Qúy Đôn và danh hiệu “Học sinh 3 tốt cấp tỉnh”.
Hai năm sau, Trang lên TP HCM học tập. Mỗi khi về nhà, cô lại làm "công tác tư tưởng" trong các cuộc trò chuyện thường nhật để mọi người dần thay đổi tư duy về đăng ký hiến tặng mô, tạng. Cô dành thời gian tìm hiểu kiến thức khoa học, pháp luật hiện hành trên thế giới về vấn đề này. Tháng 11-2022, cô đến Bệnh viện Chợ Rẫy làm xét nghiệm và đăng ký hiến tặng mô, tạng. Trang nói: "Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ tiến bộ vượt bậc của y học mà còn chứa đựng tình cảm gia đình, tình người khi một sinh mệnh từ giã cõi đời mà vẫn cứu sống nhiều cuộc đời. Tôi tin rằng hiến mô, tạng sau khi qua đời là hành động nhân văn, chuyển tải tình yêu thương đồng loại. Cái chết không còn là hư không, vô nghĩa khi giúp sự sống khác được hồi sinh". Theo Trang, "sự cho đi là còn mãi" của người hiến mô, tạng xứng đáng trở thành tấm gương để người khác học tập, làm theo và nhân rộng trong xã hội.
Với nữ giới, tóc là một phần quan trọng làm nên sự duyên dáng, vẻ đẹp riêng. Chị Châu Minh Hiền - Phó Chánh Văn phòng, Bí thư Đoàn Sở Nội vụ TP HCM - cũng rất trân quý mái tóc dài gắn bó bao năm qua với chị. Song nửa năm trước, chị bất ngờ để tóc tém. Không phải phá cách hay xả xui, Hiền đã dành hơn 30 cm tóc của mình gửi về tổ chức làm tóc giả cho bệnh nhân ung thư.
Minh Hiền tiếp tục dưỡng tóc thật kỹ, để khi đủ tiêu chuẩn lại..hiến tiếp.
Bền bỉ phụng sự cộng đồng
Trong cộng đồng "chiến binh" hiến máu nhân đạo, cái tên Nguyễn Quốc Vụ Khanh (công tác tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM) không còn xa lạ. Chàng bác sĩ chuyên khoa I đã hiến máu lần đầu từ thời sinh viên, tổng cộng anh đã hiến máu toàn phần được 20 lần và hiến tiểu cầu 1 lần. Khanh còn là cán bộ Đoàn. Với anh, hiến máu và chia sẻ thông tin để mọi người chung tay hiến máu là việc bạn trẻ nên làm để cùng bảo vệ sức khỏe đồng bào.
Nguyễn Quốc Vụ Khanh tin rằng giới trẻ là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động hiến máu, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Khanh đã tiếp cận nhiều người bệnh được chẩn đoán các bệnh lý huyết học ác tính, thấy họ luôn đối mặt tình trạng cần truyền máu và các chế phẩm từ máu. Chàng trai 9X bộc bạch: "Trao tặng người bệnh những thứ mình sẵn có - máu - trong lúc cần thiết nhất chính là bước đầu tiên mà tôi, một bác sĩ có thể làm trong con đường nghề nghiệp của mình".
Về khía cạnh chuyên môn, ở thời điểm hiện tại, máu và chế phẩm máu vẫn chưa thể được điều chế nhân tạo, vì vậy máu từ người hiến là nguồn cung cấp duy nhất và đó là lý do tại sao hiến máu rất quan trọng. Khi cho đi một phần lượng máu rất nhỏ trong cơ thể, đối với người cho không bị ảnh hưởng gì nhưng với người nhận lại là chiếc "phao cứu sinh". Giữa năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, phải áp dụng giãn cách xã hội, số lượng chế phẩm máu sụt giảm. Cơ quan quản lý và ban vận động hiến máu liên tục ra thông điệp kêu gọi hiến máu. Hòa chung sự khẩn trương, Khanh có nhiều bài viết trên trang cá nhân và nhận hiệu ứng tuyệt vời qua hàng ngàn lượt chia sẻ, thông tin cách hiến máu an toàn trong mùa dịch của anh được lan tỏa rộng. Với sự quyết liệt của Chính phủ và ngành y tế, đã có một lượng lớn người dân đến hiến máu để bảo đảm cung ứng máu trong mùa dịch. Khanh xem đó là kỷ niệm đáng nhớ, thể hiện sự hợp tâm, hợp sức của tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng lòng nghĩ về bệnh nhân.
"Dù biết những việc mình làm chỉ là hạt cát nhỏ so với công sức của rất nhiều thầy cô, anh chị song tôi tự hào vì mình vẫn đã, đang và sẽ luôn chiến đấu vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân" - anh tâm sự. Nguyễn Quốc Vụ Khanh còn miệt mài góp sức nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tạo động lực cho người khác cùng hiến giọt máu đào, trao thêm sự sống.
Đổi thay tích cực
Sau khi đăng ký hiến tặng mô, tạng, Nguyễn Thị Thùy Trang có nhiều thay đổi về suy nghĩ lẫn hành động: biết yêu thương bản thân hơn, ý thức đó không những là cơ thể của mình, mà còn là một phần sức sống cho những người ở lại: "Em sống cho em và em sống cho những điều còn lại". Cô nhìn mọi điều xung quanh càng bao dung, tích cực. Câu chuyện của Trang khi đăng tải trên mạng xã hội được nhiều bạn trẻ quan tâm, có người đã "nối gót" cô gái gen Z này.
Châu Minh Hiền vui vì ngày càng có nhiều bạn mạnh dạn hiến tóc. Gần đây nhất, con gái của sếp chị, mới học lớp 7, cũng thực hiện nghĩa cử ấy.
Và còn nhiều bạn trẻ biết sống vì mọi người, dám nghĩ, dám làm; bằng những cách thức khác nhau đang góp phần tô điểm bức tranh cuộc sống thêm lấp lánh sắc màu đẹp đẽ.
Bình luận (0)