Ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng Nhóm nghiên cứu về LIRC (công tác tại Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết mô hình hội đồng kỹ năng ngành đã được áp dụng thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, với cách tiếp cận chung là hướng đến mục tiêu đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của bên sử dụng lao động một cách tốt nhất. Tuy nhiên, mô hình này hiện còn rất mới ở Việt Nam, về mặt pháp lý chỉ mới được đề cập trong Bộ Luật Lao động năm 2019 và chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm dưới luật.
Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP HCM, đánh giá các kết quả mà LIRC mang lại trong hoạt động phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cho ngành logistics đã góp phần rất đáng kể cho việc tạo ra những thực hành tốt trong mô hình gắn kết doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp với những hoạt động mang tầm chiến lược. Năm 2021, LIRC đã xây dựng được dự báo kỹ năng nghề logistics, là dự báo kỹ năng nghề đầu tiên ở Việt Nam. LIRC là mô hình thí điểm nên cần phải vừa hoạt động vừa từng bước tự điều chỉnh, hoàn thiện mô hình để phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.
Theo PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, LIRC cần có nhiều khuyến nghị hơn nữa về những thông tin nhu cầu, kỹ năng, thách thức, cơ hội, xu hướng, yêu cầu của ngành logistics trên thế giới và Việt Nam để cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham khảo nhằm có định hướng đúng trong đào tạo, sử dụng nhân lực…
Bình luận (0)