Facebook, zalo, game online,… dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của thế hệ trẻ. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh hay ipad, máy tính bảng trong tay, một thế giới ảo mở ra trước mắt con trẻ. Thương con, chiều con, lo con thua thiệt với bạn bè nên rất nhiều bố mẹ cho con cái tiếp xúc khá sớm với công nghệ. Nhưng càng khám phá, càng say mê và càng không dứt ra được. Các bố các mẹ lại quay sang tìm cách kéo con ra khỏi thế giới ảo đầy mê hoặc mà lắm cạm bẫy đó. Và họ phải thốt lên: "Thật khó!".
Bạn tôi hiện đang làm chủ một doanh nghiệp tư nhân có tiếng ở thành phố. Hai đứa con của chị có tiếng là ngoan ngoãn và được bao bọc rất kĩ. Tất cả mọi việc nhất nhất đều hỏi ý kiến của mẹ, mẹ cho phép mới được làm. Thế mà từ lúc chị tặng cô con gái lớp 8 một chiếc ipad nhân ngày sinh nhật và mua cho cậu con trai lớp 5 một chiếc điện thoại xịn thì mọi thứ không còn nằm trong tầm kiểm soát nữa. Cô bé lập "phây" suốt ngày chát chít với bạn bè, khoe kiểu ảnh mới, rủ nhau hội hè… Khi chị nhắc nhở con tập trung vào việc học thay vì vừa làm bài tập vừa liếc "phây", cô bé phụng phịu làm theo ý mẹ, được một lúc lại với tay like, share, comment… Cậu bé lớp 5 lại mè nheo suốt ngày đòi chơi game, giận dỗi, khóc lóc rồi dỗ dành, cuối cùng chị đành ra yêu sách mỗi tối chỉ chơi một giờ đồng hồ với tiếng thở dài bất lực.
Một đồng nghiệp của tôi lại nhớ mãi cái lần giật nảy mình và run cầm cập khi tình cờ vào facebook của cậu con trai yêu quí đang là sinh viên năm nhất học xa nhà. Chị vốn là một giáo viên dạy toán có phần nghiêm khắc. Vậy mà hình ảnh đại diện trên "phây" của con là hình ảnh một tấm bia dựng trước một nấm mồ. Trên bia khắc rõ dòng chữ: "Mộ phần Lê Thành T.". Chị lật đật gọi điện thoại cho con và quát một trận về cái hình ảnh đáng sợ đó. Trái ngược với sự giận dữ của mẹ, đứa con trai tỉnh bơ nói: "Mạng ảo mà mẹ, làm vậy cho vui thôi…". Sau đó, hình ảnh ấy cũng được gỡ xuống nhưng "rút kinh nghiệm", cậu ta bỏ "kết bạn" với mẹ. Thế là chị chẳng thể theo dõi được bất kì hành động ngông mà dại dột của con nữa để mà uốn nắn.
Cũng mang tâm trạng muốn kéo con ra khỏi thế giới ảo là phụ huynh của em L.T.P.V., cô bé lớp trưởng ngoan hiền. Hình ảnh V. trong mắt bố mẹ là một cô bé hiền, ngoan, chăm học, lễ phép. Rồi cô giáo chủ nhiệm có giấy mời họp phụ huynh đột xuất. Nghe cô trình bày vấn đề, mẹ cô bé cứ tưởng cô đang nói về ai đó chứ không phải là cô con gái đáng tự hào của mình. V. vì yêu mà kéo bạn đi đánh ghen ư? V. mồm năm miệng mười trên "phây" ư? V. ăn nói tục tĩu, chửi bới, khiêu khích nhau ư?... Chị không tin và cố bệnh vực con trước cô giáo. Chỉ khi cô mở "phây" cho chị tận mắt đọc những dòng chữ "chợ búa" do chính con chị đăng và lắng nghe cô bé lớp bên bị đánh kể, chị mới sững sờ không thốt nên lời.
Ba câu chuyện về ba người mẹ phát hiện mặt trái và ảnh hưởng tiêu cực của thế giới ảo đến tính cách và tâm hồn con trẻ có thể là chuyện thường ngày vẫn gặp ở đâu đó quanh ta. Và còn nhiều lắm những hệ lụy đáng sợ khác vẫn đang chực chờ tấn công vào những con trẻ nghiện "phây" lại thiếu hiểu biết, thiếu sự định hướng và thiếu kĩ năng sống.
Bình luận (0)