xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học kém: Không cho thi đại học

Theo Vĩnh Hà - Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)

Câu chuyện nhiều học sinh lớp 12 ở tỉnh Vĩnh Phúc bị từ chối không thu hồ sơ đăng ký dự thi đại học (ĐH) năm nay vì có học lực kém đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh.

Trước áp lực đó, có trường phải nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH nhưng cũng có trường giữ nguyên quan điểm.
 
Ông Phan Hữu Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường), chia sẻ: “Trước áp lực của dư luận, cuối cùng chúng tôi đã phải tiếp nhận hồ sơ của những em học sinh mà trải qua bốn lần thi khảo sát (ba môn thi ĐH) đạt dưới điểm 10, trong đó có học sinh chỉ đạt 6-7 điểm”. Theo vị hiệu trưởng này, nhà trường chỉ đề nghị các em học sinh “về suy nghĩ thêm và hỏi ý kiến cha mẹ trước khi đăng ký dự thi chứ không có chuyện từ chối không thu hồ sơ”.
 
“Đi đâu nộp thì tùy!”
 
Mặc dù là trường có mặt bằng chất lượng không cao nhưng năm 2011, Trường Đội Cấn có tới 100% em đăng ký thi ĐH-CĐ, trong đó tỉ lệ học sinh đăng ký thi ĐH khá cao, có trên 1.000 bộ hồ sơ được nộp trong khi trường chỉ có 500 học sinh.
img
Học sinh lớp 12 của trường Đội Cấn phải trải qua bốn kỳ khảo sát, trong đó hai lần thi theo đề chung toàn tỉnh, hai lần thi theo đề của trường ra. Độ khó của đề thi, theo ông Tươi, chỉ bằng 80-90% đề thi ĐH các năm gần đây. Nhà trường đã cộng kết quả thi bốn lần của học sinh chia trung bình để lấy điểm làm căn cứ phân loại học sinh.
Những học sinh có mức điểm trung bình dưới 10, kèm theo nhận xét của giáo viên chủ nhiệm về quá trình học tập của học sinh sẽ được tư vấn “chỉ nên thi CĐ, TCCN hoặc trường nghề”. Nhà trường cũng thông tin về các trường nghề, những chế độ khuyến khích học sinh khi các em học nghề để những học sinh trên cân nhắc.

Theo em T. - một học sinh nằm trong diện “điểm kém”, “tại buổi họp phụ huynh, nhà trường chỉ đề nghị bố mẹ khuyên chúng em cân nhắc, nếu quyết tâm thi ĐH thì trường vẫn tạo điều kiện. Nhưng khi chúng em đến nộp hồ sơ thì thầy cô phụ trách nói không thu”. Một học sinh khác ở Trường Đội Cấn thừa nhận: “Cô em bảo trường hợp em thì trường không nhận hồ sơ, còn em đi nộp ở nơi khác thì tùy”.

Ở Trường THPT thị trấn Vĩnh Tường, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Oanh cho biết: “Nhà trường chỉ tư vấn chung và đề nghị giáo viên chủ nhiệm tư vấn kỹ cho học sinh có học lực kém cân nhắc việc đăng ký dự thi để các em lựa chọn trường thi phù hợp với học lực hoặc đi học nghề. Nếu học sinh vẫn tha thiết thi ĐH, chúng tôi không thể từ chối”. Tuy vậy, theo một giáo viên của trường này: “Năm nay, trường thực hiện việc phân luồng gay gắt hơn để hạn chế việc học sinh yếu kém vẫn đăng ký dự thi ĐH, tốn kém, mất thời gian vô ích”.

Ở Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, mặc dù vấp phải phản ứng của dư luận phụ huynh nhưng nhà trường vẫn giữ nguyên quan điểm phân luồng. Một học sinh lớp 12 cho chúng tôi biết: “Trường trả lời rõ là không thu chứ không bảo chúng em về suy nghĩ thêm, nên chúng em hiểu là không có hi vọng gì nộp hồ sơ ở trường”.
img

Học sinh lớp 12 Trường THPT thị trấn Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vừa thi khảo sát chất lượng trước khi hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi - Ảnh: Vĩnh Hà

“Chúng tôi làm vì nghĩ đến các em”

Có áp lực gì không khiến nhiều trường THPT ở Vĩnh Phúc đồng loạt từ chối hoặc “hoãn binh” việc thu hồ sơ của các em học sinh kém? Đại diện các trường đều cho biết chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là đẩy mạnh phân luồng học sinh từ sau THCS và sau THPT, trong đó ngoại trừ những học sinh khá giỏi, những học sinh trung bình, kém nên định hướng vào các trường trung cấp, trường nghề.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng có văn bản thông tin về chỉ tiêu, giải pháp phân luồng cùng cơ chế hỗ trợ học sinh học nghề gửi cho 100% các trường THPT trên toàn tỉnh.

Theo văn bản này, sẽ phân luồng để học sinh tốt nghiệp THCS sang bổ túc văn hóa có học nghề 25-30%/năm, tốt nghiệp THPT đi học nghề 30-50%/năm. Năm học 2012-2013, Vĩnh Phúc tuyển vào lớp 10 phổ thông chỉ chiếm 75%/tổng số học sinh học hết chương trình THCS, ổn định ở mức 70% vào các năm học tiếp theo. Tuyên truyền tổ chức vận động để có 30-35% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề, ổn định 40-45% vào các năm sau đó.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc “có áp lực nào dẫn đến việc trường phải làm rát việc phân luồng?”, ông Tươi cho biết: “Chúng tôi làm vì trách nhiệm với học sinh, chứ không chịu áp lực từ trên. Làm hay không làm việc này cũng không ai chấm thi đua cho chúng tôi cao hơn. Nếu bình tĩnh lại, các bậc cha mẹ phải thấy chúng tôi làm vì nghĩ đến các em học sinh. Thử hỏi với kết quả toán điểm 1, lý, hóa điểm 2, 3 trong tất cả các kỳ khảo sát, ba năm học đã kém thì nỗ lực trong ba tháng liệu có thể thay đổi được tình hình không?”.
Tuy vậy, ông Tươi thừa nhận: “Việc tư vấn, hướng nghiệp để phân luồng phải được làm từ cấp học dưới và bắt đầu làm từ khi học sinh bước vào lớp 10. Thực tế lớp 10, 11 việc hướng nghiệp rất mờ nhạt, đến lớp 12 mới làm thì học sinh không thể ngấm và thông được”.

Đi học nghề, sẽ được... trả tiền

Theo bà Dương Thị Tuyến - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để hấp dẫn học sinh theo học trường nghề, tỉnh đã quyết định hỗ trợ người học CĐ nghề 400.000 đồng/tháng, trung cấp nghề 350.000 đồng/tháng, bổ túc văn hóa + nghề 450.000 đồng/tháng. Đó là kế hoạch được tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra trong đề án dài hơi với giai đoạn đầu được tính từ năm 2011-2015.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của đề án này chính là phân luồng học sinh phổ thông với một tỉ lệ xác định tăng dần lên số các em chọn trường nghề thay cho cánh cửa ĐH. Hơn 300 tỉ đồng/năm được chi cho việc khuyến khích học nghề của học sinh phổ thông, giải quyết việc làm và giảm nghèo.

“Thực tế việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS đã được Vĩnh Phúc triển khai và có kết quả. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THPT không đơn giản như đối với học sinh THCS. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT tỉnh có thể chủ động điều tiết được. Song số trường ĐH hiện mở ra quá nhiều, nên học sinh sau tốt nghiệp THPT phần lớn vẫn chú trọng con đường duy nhất vào ĐH, vì vậy việc định hướng không đơn giản” - bà Tuyến khẳng định.

Việc tuyên truyền “suông” không làm thay đổi lựa chọn của người học, nên Vĩnh Phúc quyết định mạnh tay trả tiền cho người học theo từng mức cụ thể. Để thực hiện đề án này, 500 giáo viên phổ thông sẽ được đào tạo về chuyên môn hướng nghiệp hằng năm cho các em, bảo đảm mỗi trường THCS có một giáo viên hướng nghiệp, mỗi trường THPT có hai giáo viên phụ trách công tác này. Tuy vậy, bà Dương Thị Tuyến khẳng định: “Chủ trương của tỉnh chỉ là định hướng, vận động, tư vấn. Nếu các trường ép học sinh trong việc đăng ký dự thi thì cần phải điều chỉnh, đảm bảo quyền lợi người học”.
 

* Bà Dương Thị Tuyến (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc):

Doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng

Thực tế cơ cấu lao động các nước phát triển luôn là hình tam giác, mà đáy là số lượng lao động chiếm ưu thế, trong khi tâm lý nhiều bậc phụ huynh và đa số học sinh vẫn chỉ chăm chăm làm sao để vào được ĐH.
Trong khi đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm. Không nói đâu xa, trong kỳ thi tuyển công chức vừa qua của tỉnh, tiêu chuẩn cho người tốt nghiệp ĐH chỉ có 160-170 chỉ tiêu, trong khi số hồ sơ nộp lên đến 510 người, số thi tuyển là 490.
Bất hợp lý ở chỗ Vĩnh Phúc có tổng nguồn thu lên đến 16.714 tỉ đồng/năm, nhưng số lượng lao động trong khu công nghiệp còn quá khiêm tốn, chỉ có 40.000 người. Nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng.

* Ông Nguyễn Xuân Trường (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc):

Vì quyền lợi học sinh và gia đình

Sở GD-ĐT không hề chỉ đạo các trường từ chối thu hồ sơ dự thi ĐH của học sinh mà chỉ đề nghị các trường tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin, phân tích để học sinh và các bậc phụ huynh cân nhắc, có sự lựa chọn phù hợp.
Việc học sinh đăng ký dự thi là quyền của các em, nếu nhà trường áp đặt là sai. Chúng tôi mong muốn việc phân luồng có sự chuyển biến rõ rệt, một phần vì chính quyền lợi của học sinh, gia đình học sinh, một phần để điều chỉnh nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc trong tương lai. Nhưng việc này phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, dân chủ. Nếu thật sự có chuyện áp đặt, chứng tỏ vai trò tư vấn, hướng nghiệp cần phải chấn chỉnh, phải bồi dưỡng năng lực cho những giáo viên làm công tác này.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo