Tại buổi tổng kết dự án tổ chức tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), học sinh (HS) khối 11, 12 của 6 trường THPT khu vực quận 1, quận 3 một lần nữa tái hiện quãng thời gian học tập môn lịch sử độc đáo.
Sống động qua những lăng kính
Dự án "Saigon by bus" được triển khai từ tháng 10-2020 với sự tham gia của HS các trường THPT: Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Trưng Vương, Tenlơman, Lê Thị Hồng Gấm, Bùi Thị Xuân. HS tham gia dự án được chia theo nhóm khoảng 6-8 em/nhóm. Hình thức học tập sẽ thông qua hoạt động trải nghiệm bằng phương tiện công cộng như xe buýt, buýt sông, xe buýt mui trần 2 tầng… để khám phá cảnh đẹp, tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua trang phục, ẩm thực… của Sài Gòn - TP HCM.
Học sinh tái hiện các bài học lịch sử qua mô hình xe buýt
Lần đầu tiên, những địa chỉ tưởng như rất quen thuộc như Bảo tàng Lịch sử, Bến Nhà rồng, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Hội trường Thống Nhất… hay những quán ăn lâu đời, những tiệm may áo dài, đồ vest… đã được tìm hiểu, khám phá qua lăng kính sống động của HS.
Theo các giáo viên trong ban tổ chức, tưởng như thân thuộc nhưng những đặc trưng của Sài Gòn - TP HCM được hiện lên qua cảm nhận, quan sát, trải nghiệm của HS lại vô cùng độc đáo, thú vị. Chẳng hạn, nhóm của lớp 11A1 Trường THPT Lê Quý Đôn gồm các thành viên Quốc Hưng, Quốc Việt, Trung Nguyên, Tường Vân, Xuân Nghi, Phương Du đã chọn cách báo cáo quá trình học tập với chủ đề "Giới thiệu cảnh đẹp Sài Gòn" nhưng theo phong cách nhạc rap khiến những người tham gia bất ngờ. Theo các thành viên của nhóm, qua một số clip mà các nhóm khác thực hiện đều sử dụng lời thoại, thuyết minh nên nhóm đã nghĩ đến việc đọc rap để tạo sự mới mẻ. "Thể loại rap đang được nhiều bạn trẻ yêu thích, bản thân chúng em cũng rất yêu rap nên đã quyết định phá cách để giới thiệu những cảnh đẹp qua clip mà nhóm thực hiện" - một thành viên của nhóm cho biết.
Đổi mới dạy và học môn lịch sử
Theo ban tổ chức, qua quá trình triển khai, dự án "Saigon by bus" đã thu về 101 video, 12 bản đồ, 32 brochure, 14 poster. "Đây là những sản phẩm của HS được đầu tư công phu, đầy sáng tạo" - thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, nhận xét.
Báo cáo dự án của HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) là một không gian trưng bày độc đáo, gây ấn tượng với các cuốn tạp chí theo nhiều chủ đề thời trang, ẩm thực, không gian văn hóa xưa và nay. Mỗi cuốn tạp chí được trình bày theo nhiều chương mục thể hiện sự phát triển của Sài Gòn - TP HCM. Theo các HS của trường, hình ảnh, tư liệu trong các sản phẩm này cũng được sưu tầm, thu thập từ các chuyến xe buýt đi thực tế.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho rằng dự án dạy học với nội dung lịch sử địa phương đã tạo hứng thú cho HS khi tham gia. Cách học mới mẻ này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức về lịch sử địa phương, về nét văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện cho HS rèn luyện kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tổ chức sắp xếp thời gian, công việc, sử dụng các phương tiện công cộng để khám phá lịch sử của TP HCM. Bên cạnh đổi mới việc dạy và học môn lịch sử với nội dung lịch sử địa phương, các giáo viên cũng đã đổi mới hình thức đánh giá, kiểm tra.
Hiểu hơn nơi mình đang sống
Tại buổi báo cáo dự án, nhiều HS chia sẻ quá trình thực hiện với nhiều bất ngờ, đúng kiểu lần đầu trải nghiệm. Khi tham gia dự án, nhiều học sinh lần đầu đi xe buýt, trải nghiệm trên phương tiện công cộng, hiểu hơn về TP mà mình đang sống.
Bình luận (0)