Mở rộng không gian lớp học
Bên cạnh giảng viên, một màn hình máy vi tính đang truyền trực tiếp hình ảnh một nhóm các học viên tại Hà Nội chăm chú nghe giảng bài. Phía cuối lớp có một camera ghi lại hình ảnh buổi học để đưa lên mạng Internet và truyền trực tiếp đến lớp học tại Hà Nội. Ngoài ra, hình ảnh lớp học còn được truyền đến một phòng học khác tại trung tâm với khoảng 10 học viên nữa. Cuối buổi học, TS Dung trả lời các câu hỏi của học viên. TS Dung cũng không quên hỏi thăm các học viên tại Hà Nội có thắc mắc gì không và nhắc: “Có gì cần hỏi thêm, các bạn cứ vào forum (diễn đàn học tập) hoặc gửi mail trực tiếp cho tôi nhé”.
Đó là không khí một buổi học trực tuyến lớp cao học ngành tin học – viễn thông khóa 1 tại phòng 301, Trung tâm Phát triển CNTT Đại học Quốc gia TPHCM.
Nhiều nơi mở E-learning
TạI TRƯờNG ĐH QUốC Tế RMIT, MÔ HÌNH E-LEARNING CHỉ DÀNH RIÊNG CHO sinh viên của trường. Sinh viên sử dụng các bài giảng và thông tin từ hệ thống trang web thư viện của RMIT để học trên lớp hoặc tự học ở nhà như một công cụ hỗ trợ cùng với sự giảng dạy của giáo viên tại trường. Ngoài ra, một số công ty, trung tâm đào tạo khác như Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ FPT cũng bắt đầu tổ chức hình thức học tập trực tuyến để giảng dạy tiếng Anh. Muốn tham gia lớp học, học viên phải mua các loại thẻ do công ty phát hành và cần có một máy vi tính cấu hình tối thiểu CPU Pentium 350 Mhz, Ram 64 MB, loa, micro và một đường truyền Internet tốc độ trên 33,6 Kbps. Chương trình học có trình độ từ sơ cấp đến nâng cao. Khi hoàn thành khóa học và vượt qua được bài kiểm tra cuối khóa, học viên sẽ được cấp chứng chỉ của FPT-Englishtown. Hiện tại, FPT đang cung cấp các loại thẻ học trực tuyến giá 349.000 đồng dành cho chương trình học TOEFL, TOEIC và thẻ 699.000 đồng tùy theo thời gian học.
Kiến thức tăng gấp 3 lần
Hầu hết những học viên tham gia học tập bằng E-learning đều tỏ vẻ hài lòng với cách học còn tương đối mới mẻ này. Chị Trần Thị Kim Thanh, một học viên đã đạt level 10 chương trình Anh văn trực tuyến của FPT, cho biết đã học từ đầu năm ngoái và cảm thấy rất thích cách học trực tuyến. Kiến thức chị học được rất hay, mở rộng hơn nhiều so với tại các trung tâm Anh văn. Thời gian học linh hoạt trong cả ngày nên rất thoải mái. Văn phạm học càng lên cao càng khó nhưng được trao đổi, đàm thoại trực tiếp với giáo viên bản ngữ nên tiếp thu cũng dễ dàng. Anh Phạm Đào Tiên, lớp trưởng lớp cao học tại Trung tâm Phát triển CNTT, cho biết hình thức đào tạo E-learning đòi hỏi người học phải có khả năng tự học rất cao, phù hợp với nhu cầu tự nâng cao kiến thức của mọi người và thời gian học tập rất linh hoạt. Theo nhận định của anh Tiên, lượng kiến thức học viên nhận được qua mỗi buổi học gấp 3 lần giờ học bình thường của anh trước kia do có bài giảng trước, không có thời gian chết trong buổi học... Một số học viên khác thì đánh giá hình thức E-learning tạo sự cởi mở trong học tập cho học viên rất nhiều. Diễn đàn học tập trên mạng đã cuốn hút cả lớp tham gia thảo luận và học hỏi lẫn nhau. Học viên thu nhận được các kiến thức sâu hơn.
GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, giám đốc Trung tâm Phát triển CNTT ĐH Quốc gia TPHCM: Cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy Giáo trình điện tử (GTĐT) là tư liệu học tập rất tốt cho mọi người. GTĐT được chuẩn bị và thu hình rất kỹ càng; cung cấp kiến thức một cách đầy đủ, chính xác. GTĐT cũng có thể sử dụng phục vụ việc học tập cho những vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, GTĐT là cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy, kiến thức được cung cấp đến người học một cách nhanh chóng, hiệu quả. Hiện chúng tôi đang có dự định xây dựng GTĐT dành cho bậc phổ thông. Nếu thực hiện được thì GTĐT không chỉ góp phần chuẩn hóa kiến thức giảng dạy mà còn tiết kiệm tiền mua sách giáo khoa. |
Bình luận (0)