xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học phí ĐH: Mỗi nơi một kiểu

Yến Anh

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81, theo hướng lùi 1 năm khung học phí quy định trong nghị định hiện hành

Trong khi Chính phủ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về mức học phí năm nay, mỗi trường đại học (ĐH) thu một kiểu

Giữ nguyên học phí cũ

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết theo đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn là 23-29 triệu đồng/năm, tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Học phí chương trình chất lượng cao, quốc tế và liên kết quốc tế của trường là 25-90 triệu đồng, tương tự năm 2022.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thông báo sẽ sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí công lập hồi cuối tháng 7, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I là khoảng 10 triệu đồng, tức ổn định như 2 năm qua. Từ học kỳ II, nếu Chính phủ quy định không tăng học phí, trường vẫn thu như học kỳ đầu. Nếu được phép tăng, trường chỉ tăng tối đa 8%.

Nhiều trường ĐH lớn cũng đưa ra mức tạm thu học phí học kỳ I bằng năm ngoái. Trường ĐH Ngoại Thương thu từ 10-35 triệu đồng; Học viện Ngoại giao 9,5-20,75 triệu đồng/học kỳ I. Đây là mức thu thấp hơn dự kiến của 2 trường này khoảng 1-2,5 triệu đồng/học kỳ.

Việc này không chỉ giúp sinh viên (SV) giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm mà còn có thể giúp các trường tránh rắc rối về thủ tục nếu Chính phủ không cho phép tăng học phí. Năm ngoái, nhiều trường đã thu mức mới từ đầu năm học nhưng đến tháng 12-2022, Chính phủ yêu cầu không tăng học phí nên phải trả lại hoặc cấn trừ học phí chênh lệch cho SV.

Học phí ĐH: Mỗi nơi một kiểu - Ảnh 1.

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM Ảnh: HUY LÂN

Đến thời điểm này, các trường ĐH đã khai giảng và thu học phí học kỳ 1 năm học mới với nhiều mức khác nhau căn cứ theo Nghị định 81. Nhiều trường ĐH phía Nam thông báo tạm thu học phí theo mức công bố dự kiến tăng cho năm học 2023-2024.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho hay mức học phí đối với SV các khóa cũ (từ khóa 2022 trở về trước), học phí chương trình đại trà năm học 2023-2024 tăng vọt lên mức 693.000 đồng/tín chỉ với khối ngành công nghệ kỹ thuật - sản xuất chế biến; 712.000 đồng/tín chỉ với khối ngành sư phạm, thiết kế... Trong khi năm học trước, học phí chương trình đại trà với các mức là 555.000 đồng, 573.000 đồng, 624.000 đồng, 652.000 đồng, 693.000 đồng/tín chỉ.

Bị động trong quản trị

Mức học phí như trên đang khiến nhiều SV choáng váng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định nếu không tăng học phí sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng không tăng học phí chắc chắn khiến một số trường ĐH khó khăn trong việc tái đầu tư cơ sở vật chất, giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng và có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là nguồn thu của các trường chủ yếu từ học phí hệ dài hạn và từ ngân sách nên rất bị động trong các giải pháp quản trị hiệu quả. Một số trường quản trị tốt nên nguồn thu đa dạng, thậm chí còn dư hàng trăm tỉ đồng/năm với mức học phí chưa tăng.

Hiện nay, một số trường đề xuất nếu không điều chỉnh mức học phí, nhà nước cần có chính sách cấp bù học phí. Đánh giá về đề xuất này, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng nhà nước cần có nghiên cứu và hạch toán cẩn thận để tính đúng và tính đủ, tránh để nhà trường "vẽ" ra.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, học phí còn liên quan việc điều tiết về quy mô nhân lực quốc gia theo nhu cầu. Ngành nào rất thiếu nhân lực, học phí không đủ bảo đảm chất lượng đào tạo thì nên cấp bù cho nhà trường; ngành nào có nguy cơ dư thừa thì cần cho tăng học phí mới thể hiện vai trò điều tiết của Chính phủ. Chính sách học phí còn là một công cụ làm hài hòa sự phát triển ngày một bình đẳng hơn giữa trường công và trường tư.

Tự chủ không phải là bỏ rơi

Trước quan điểm cho rằng tự chủ không có nghĩa là bỏ rơi các trường, không nên đánh đồng tự chủ với việc tự túc về nguồn lực, ông Hoàng Ngọc Vinh thừa nhận dù ngân sách đầu tư cho giáo dục ĐH khá lớn nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đủ để có thể tạo nên thay đổi lớn về chất lượng.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như Chính phủ luôn nhất quán với chính sách rằng mặc dù các trường tự chủ nhưng đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn tăng cho giáo dục ĐH để đáp ứng cả nhu cầu về quy mô lẫn chất lượng. Đến nay, chưa thấy trường ĐH công nào bị "bỏ rơi".

Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81, theo hướng lùi 1 năm khung học phí quy định trong nghị định hiện hành. Theo đó, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học mới bằng mức trần học phí năm học 2022-2023 tại Nghị định 81.

Cụ thể, năm học 2023-2024, học phí các ngành từ 12-24,5 triệu đồng/năm, tùy khối ngành. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần trường chưa tự chủ, từ 24-49 triệu đồng/năm. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trường chưa tự chủ, tức 30-61,2 triệu đồng/năm. 

Miễn giảm 100% học phí cho sinh viên sư phạm

Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 năm 2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm.

Theo đó, SV sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, SV sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV sư phạm theo năm học.

Căn cứ số chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT, hằng năm, các trường sư phạm lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm được cấp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo hình thức giao dự toán theo quy định. Các trường có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí cho SV sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của SV tại ngân hàng.

Các trường ĐH sư phạm hiện nay gồm: Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.

Có trường thu học phí thấp hơn mức đã công khai

TS Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trường được Chính phủ phê duyệt thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Theo đó, năm học 2019-2020, trường được thu học phí hệ chính quy đại trà với mức tối đa 19 triệu đồng và năm học 2020-2021 là 19,5 triệu đồng. Tháng 6-2021, trường được xác định là đơn vị tự chủ tài chính nhóm 1. Theo Nghị định 81 thì "đơn vị tự chủ tài chính nhóm 1 được thu mức thu học phí cao gấp 2,5 lần so với các đơn vị không tự chủ tài chính".

Nếu xác định lộ trình học phí theo Nghị định 81 thì Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có thể thu học phí mức tối đa như sau: Năm học 2021-2022 là 24 triệu đồng, 2022-2023 là 36,25 triệu đồng... song thực tế mức thu thấp hơn nhiều. Cụ thể, năm học 2021-2022, trường vẫn giữ nguyên mức thu như năm 2020-2021 (hệ chính quy đại trà tối đa là 19,5 triệu đồng) và năm học 2022-2023 có 3 mức, từ 19,5 đến 26 triệu đồng, tùy ngành.

Tháng 12-2022, Chính phủ ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí ĐH năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 (tối đa 19,5 triệu đồng). Năm học 2023-2024, học phí hệ chính quy đại trà được xác định với 3 mức học phí lần lượt là 26 triệu đồng (các ngành kinh tế, xã hội), 29 triệu đồng (các ngành kỹ thuật, công nghệ) và 32,5 triệu đồng (các ngành kiến trúc).

Đối với các khóa từ 2022 trở về trước, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đang dự định thu mức học phí thấp hơn mức thu đã công khai của khóa 2023. Cụ thể, mức thu là từ 23,5 triệu đồng đến 28,5 triệu đồng, tùy ngành - thấp hơn cả mức trần của năm học 2022-2023, theo Nghị định 81.

Các số liệu trên cho thấy 3 năm học liên tiếp 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023, học phí của trường này không tăng. Như vậy, học phí hiện nay của trường đang được so sánh tăng hơn 30% là so sánh năm học 2023-2024 với năm học 2020-2021, cách đây 3 năm. Nếu so sánh với mức học phí năm học 2022-2023 đã được hội đồng trường phê duyệt thì mức tăng bình quân chưa đến 15%. Ngoài ra, năm học 2023-2024, trường dự kiến trích lập quỹ hỗ trợ SV từ nhiều nguồn, với số tiền hơn 50 tỉ đồng để hỗ trợ SV khó khăn (tăng khoảng 60% so với năm trước).

Tại Trường ĐH Công Thương TP HCM, mức thu học phí ổn định trong toàn khóa học. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết học phí khóa sau chỉ cao hơn khóa trước 1 triệu đồng/năm. Cụ thể, khóa 2021, mức học phí khoảng 28 triệu đồng/năm (3,5 năm), khóa 2022 mức học phí khoảng 29 triệu đồng/năm, khóa 2023 mức học phí khoảng 30 triệu đồng/năm (3,5 năm).

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, TS Nguyễn Anh Vũ - Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - cho biết trường có quyết định được thực hiện tự chủ từ ngày 1-6-2023. Theo đó, đối với chương trình ĐH chính quy, học phí năm học 2023-2024 là 18,36 triệu đồng/năm/SV, tăng hơn 3 triệu đồng so với các khóa trước. Với ĐH chính quy chương trình chất lượng cao, học phí là 36,85 triệu đồng/năm/SV (tăng 10% so với năm học 2022-2023).

H.Lân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo