Đây là sản phẩm của thầy và trò suốt gần 3 tháng lên kế hoạch và chọn vật liệu cho ngôi nhà mô hình, cũng như thử nghiệm kết quả so với lý thuyết.
Các học sinh lớp 7 đã thử nghiệm bốn loại Ngôi nhà cách âm được tạo ra từ các vật liệu là xốp, mút xóa bảng, bông gòn, thảm xốp. Riêng bề mặt ngoài ngôi nhà các em dùng giấy các tông từ những thùng nước ngọt và tô vẽ hoa văn. Các em học sinh đã đo kích thước và chế tạo ra 4 ngôi nhà mô hình có kích thước giống nhau, cắt và đo các vật liệu cách âm (mút xóa bảng, bông gòn, xốp, thảm xốp) tương tự để lắp ghép vào ngôi nhà, tạo sự đồng đều về độ kín trong ngôi nhà (tránh sự chênh lệch về kẽ hở giữa các mảnh ghép làm sai lệch kết quả đo âm thanh).
Học sinh hào hứng với sản phẩm "Ngôi nhà cách âm"
Một điểm đáng chú ý trong việc áp dụng công nghệ phổ biến là các em tải phần mềm Sound Meter trên các thiết bị di động để đo cường độ âm thanh mà không sử dụng các thiết bị chuyên dụng đắt tiền. Học sinh đã sử dụng các thiết bị di động cùng loại đo cường độ âm thanh trong 59,24 giây để kiểm tra kết quả về khả năng cách âm của từng ngôi nhà mô hình.
Sau khi công bố, thầy Trần Quốc Trị, giáo viên hướng dẫn trực tiếp chuyên đề, cho rằng: "Mô hình Ngôi nhà cách âm đã được ứng dụng ở nhiều nước phát triển trong việc lắp ghép các ngôi nhà di động và các ngôi nhà đó được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bề mặt ngôi nhà trong thực tiễn là các tấm thạch cao kín và bề mặt trơn nên có khả năng phản thanh nhằm giảm tiếng ồn tốt hơn. Riêng tại Việt Nam, Ngôi nhà cách âm chưa được ứng dụng trong thực tiễn mà chỉ áp dụng giảm tiếng ồn trong các nhà hàng, karaoke hoặc một số gia đình lát đá hoa cương ở bề mặt phía ngoài ngôi nhà nhằm phản thanh cường độ âm thanh từ bên ngoài".
Đây là mô hình lần đầu tiên do học sinh của huyện Bình Chánh lắp ráp và đo đạc giữa trên các vật liệu đơn giản và áp dụng công nghệ phổ biến trên thiết bị di động. Sản phẩm này là sự khích lệ cho thầy trò vùng ngoại thành dạy, học sáng tạo.
Bình luận (0)