Nghi án cho trẻ uống thuốc mê rồi bắt cóc tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TP HCM) vừa qua cho thấy việc người lạ xâm nhập trường học quá dễ dàng. Trước đó, liên tiếp những vụ học sinh (HS) bị người lạ dẫn đi khiến phụ huynh hoang mang như 7 HS ở quận 8 bị người lạ rủ đi phát quà mà gia đình và nhà trường không biết; 1 HS Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Gò Vấp) cũng bị người lạ đưa đi.
Người lạ dễ dàng vào trường
Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non (MN) quận Tân Bình đúng vào giờ phụ huynh đón trẻ. Tại đây, sau khi gửi xe ngoài cổng, phụ huynh được vào trường và lên tận lớp để đón con. Theo quan sát của chúng tôi, trong trường không thấy bóng dáng của bảo vệ. Sau khi dẫn trẻ ra ngoài lớp, nhiều phụ huynh còn nán lại cho trẻ vui chơi tại khuôn viên của trường.
Phụ huynh đón trẻ tại một trường mầm non ở quận 11, TPHCM Ảnh: TẤN THẠNH
Cách đó không xa, tại Trường THCS Tân Bình, hết giờ tan học, HS đều tràn ra vỉa hè đứng chờ để phụ huynh đến đón mà không có sự quản lý của bảo vệ hay giáo viên.
Chị T.Trang, phụ huynh Trường MN Hoa Mai (quận 3), cho biết thông thường, hai vợ chồng sẽ thay nhau đón con nhưng nếu cả hai có việc đột xuất, phải nhờ người khác đến đón thì cô giáo sẽ hỏi bé có phải là người thân không để trao trả. “Quy trình này tạm gọi là an toàn nhưng chỉ tương đối vì chỉ bé lớn một chút mới ý thức được người thân, còn với trẻ quá nhỏ thì không thể nào biết hết được” - chị Trang nói.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết do trường có sân rộng nên phụ huynh được vào tận sân để đón con. Tuy nhiên, chỉ HS lớp 1, do còn nhỏ tuổi nên được các cô và bảo mẫu dẫn xuống sảnh ngồi chờ và trao trả cho từng phụ huynh. Với các khối lớp khác, các cô chỉ có thể dẫn xuống sân rồi phụ huynh tự đón.
Theo bà Hà, có những phụ huynh mãi tới 18 giờ mới đón con, trong khi không ai trả tiền cho giáo viên để trông trẻ vào những trường hợp như vậy. Cho nên, nếu không may xảy ra trường hợp đáng tiếc như trẻ bị bắt cóc, người lạ dụ dỗ thì không biết phải làm sao. “Mong phụ huynh đừng phó thác hoàn toàn cho nhà trường” - bà Hà nói.
Ngành giáo dục lo không xuể
Theo hiệu trưởng các trường, sĩ số học sinh quá đông khiến giáo viên và bảo mẫu không thể nào quản lý hết. Ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM - cho biết vụ học sinh tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng có phải bị bắt cóc hay không vẫn đang chờ kết quả công an điều tra. “Hiện nay, phòng đã chỉ đạo các trường nếu trẻ đi vệ sinh thì phải có bảo mẫu theo. Tại các nhà vệ sinh luôn phải có bảo vệ túc trực theo dõi. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng bảo vệ ngoài cổng sẽ rất khó vì họ đâu thể nhớ mặt hết tất cả phụ huynh. Các trường cần tăng cường tuyên truyền cho HS, trao đổi với phụ huynh để bảo vệ con mình” - ông Vinh nói.
Trong khi đó, theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, đội ngũ bảo vệ trong trường học vô cùng quan trọng vì gắn bó nhiều nhất với HS nhưng vì lương thấp nên tuyển không được. Bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, nhìn nhận: “Lương bảo vệ hiện nay đang hưởng định biên theo Nghị định 71 là quá thấp, cộng thêm các khoản hỗ trợ thì hằng tháng thu nhập cũng chưa được 2 triệu đồng. Tuyển bảo vệ cực kỳ khó nên phòng phải liên hệ với chính quyền phường để tuyển những bộ đội phục viên”. Theo bà Phượng, bảo vệ trường học không chỉ quản lý cơ sở vật chất mà còn giờ ăn, giấc ngủ của trẻ... Mỗi trường chỉ 2 bảo vệ trong khi có hàng ngàn HS thì không thể quản lý nổi.
Ông Phạm Ứng Dũng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, cho biết phòng đã ký kết liên tịch với công an, dân quân tự vệ các phường để tổ chức kiểm tra an ninh tại các trường nhằm bảo đảm an toàn. “Các cơ quan chức năng cần chia sẻ bớt áp lực với ngành giáo dục vì một mình trường học sẽ lo không xuể” - ông Dũng nói.
Đề phòng kẻ xấu trà trộn bắt cóc học sinh
Bộ GD-ĐT vừa gửi công văn tới các sở chỉ đạo thực hiện biện pháp đề phòng kẻ xấu trà trộn vào trường học bắt cóc HS với mục đích tống tiền, buôn bán người hoặc cướp tài sản, xâm hại thân thể HS trên đường đi học.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự trường học; theo dõi, phát hiện để phối hợp xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến HS trong trường học và khu vực lân cận. Đồng thời, bộ chỉ đạo các sở chủ động phối hợp cơ quan công an địa phương tổ chức tuyên truyền, thông tin về âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm nhằm nâng cao ý thức cảnh giác trong HS và phụ huynh. Bên cạnh đó, các sở cần phối hợp chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương và phụ huynh HS tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho HS trên đường đi học, tham gia các hoạt động giáo dục ở ngoài nhà trường.
Bộ đề nghị các sở tổng hợp, báo cáo các vụ việc về an ninh, trật tự liên quan đến HS, sinh viên xảy ra trong năm học 2013-2014 trước ngày 31-3.
L.Thoa
Bình luận (0)