Thầy Bùi Công Nguyên An, giáo viên Trường THPT Văn Hiến (TP Long Khánh), cho biết: "Tôi từng tư vấn hướng nghiệp cho rất nhiều học sinh, trong đó rất nhiều trường hợp không biết dựa vào năng lực của bản thân hay nghe theo lời phụ huynh. Chẳng hạn, một học sinh không giỏi môn sinh và các ngành khối B nhưng cha mẹ lại muốn con theo nghề y của gia đình. Tôi đã khuyên em phải trình bày với cha mẹ. May mắn là gia đình chấp nhận và học sinh đó đã được học đúng ngành phù hợp với sở trường".
Tuy nhiên, thầy An cho hay không phải trường hợp nào cũng thành công. Một học sinh khác của thầy đã không tìm được tiếng nói chung với phụ huynh. Chính thầy đã tìm đến nhà em này để thuyết phục nhưng gia đình vẫn không đồng tình. Cuối cùng, thầy đành để học sinh đó làm theo nguyện vọng của cha mẹ.
Một giáo viên nêu trường hợp khác: "Cách đây vài năm, học sinh của tôi thi đậu Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành quản trị thư viện. Tôi tư vấn em chọn trường CĐ vì sẽ tiết kiệm thời gian và kinh phí, trong khi xu thế của ngành thư viện trong tương lai không có nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, em ấy lại chọn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vì hai chữ "đại học". Hiện tại, chỉ số hạnh phúc của em ấy rất thấp".
Một vấn đề mà giáo viên nêu ra cũng nhận được rất nhiều đồng tình của các thầy cô tham dự buổi tập huấn, đó là bắt học sinh lớp 9 định hướng nghề nghiệp, chọn trường, chọn ngành để chọn tổ hợp môn. Đây là câu hỏi khó với học sinh lớp 9 vì ngay cả học sinh lớp 12 cũng không nắm rõ.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM, nhìn nhận đây là thực tế chung trong rất nhiều năm qua. Chính cô trong quá trình công tác cũng đã phải giải quyết rất nhiều trường hợp tương tự. Vì vậy, cô hiểu tầm quan trọng cũng như áp lực của giáo viên phụ trách tư vấn hướng nghiệp.
Trong phần trình bày về định hướng hoạt động hướng nghiệp hướng đến nền kinh tế số - xã hội số, TS Lê Thị Thanh Mai đã chia sẻ những nội dung quan trọng về công tác hướng nghiệp. Theo đó, hướng nghiệp bao gồm: hướng dẫn học sinh khai thác hệ thống thông tin về các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo; cung cấp cho học sinh thông tin và xu hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội; cung cấp thông tin thị trường lao động việc làm; rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh kiến thức, kỹ năng thiết yếu phù hợp với nhóm ngành nghề đã lựa chọn.
"Nếu học sinh hỏi nên chọn ngành gì, giáo viên cần phải tư vấn cho các em những nội dung như: thế mạnh của em là gì, đưa ra nhiều ngành phù hợp với thế mạnh đó; học ngành đó cụ thể là học những môn gì, ra trường sẽ làm gì. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải xem xét nhu cầu xã hội trong tương lai 5 năm tới, nghĩa là phải biết đón đầu xu thế, chiều hướng lao động xã hội, sau đó tìm hiểu sở thích của học sinh để lựa chọn ngành. Đây chính là nội dung cụ thể của tam giác năng lực - sở trường - nhu cầu xã hội trong việc hướng nghiệp cho học sinh" - TS Lê Thị Thanh Mai diễn giải.
Bình luận (0)