Các trường tiểu học tại TP HCM đang trong giai đoạn kiểm tra kết thúc học kỳ I. Đây là năm đầu tiên, những học sinh (HS) lớp 1 được học tập và đánh giá theo chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới.
Học khó là do... khách quan
Trước đó, dù nhiều phụ huynh, kể cả giáo viên (GV) cho rằng chương trình và SGK lớp 1 mới quá nặng nhưng theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học, kết quả đánh giá sau một học kỳ không quá khác biệt so với năm học trước.
Bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp), cho biết phải sau khi có kết quả kiểm tra mới có thể đánh giá khách quan khả năng học tập, tiếp thu của HS lớp 1 năm học này so với các năm trước. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều cách biệt, kết quả trên trung bình.
Theo lãnh đạo một số trường tiểu học, qua các lần dự giờ, thăm lớp, HS không gặp nhiều khó khăn khi học theo chương trình mới. Bà Phạm Thúy Hà, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 4, phụ trách giáo dục tiểu học, nhìn nhận đến thời điểm này, nếu HS có sự quan tâm của gia đình thì đọc rành hơn năm trước.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM) trong năm học 2020 - 2021 Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, theo ông Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), qua sơ kết, đánh giá, HS lớp 1 năm nay vẫn học tập bình thường, việc sử dụng ngôn ngữ của HS vẫn tốt. HS và kể cả GV chỉ vất vả hơn một chút vì trước khi vào lớp 1 năm nay, ở giai đoạn trẻ 5 tuổi bị gián đoạn một thời gian vì ảnh hưởng dịch bệnh. "Trong giai đoạn bị gián đoạn đó, trẻ không được vui chơi, làm quen nhận biết mặt chữ, mặt số nên khi bước vào lớp 1 gặp khó khăn hơn so với những năm trước. Khó khăn này là do khách quan chứ không phải do chương trình hay SGK mới" - ông Hải nói.
Nặng - nhẹ tùy quan điểm
Theo đánh giá sơ kết của một số quận, huyện, kết thúc học kỳ I, dễ nhận thấy nhất là HS lớp 1 năm nay tự tin và tích cực trong quá trình học tập. Theo bà Phạm Thúy Hà, HS biết tham gia đánh giá và nhận xét bản thân cũng như các bạn một cách trung thực. Thông qua các hoạt động, các em được hình thành các phẩm chất và năng lực phù hợp đáp ứng theo chuẩn chương trình. HS nói được nhiều hơn, nói thành câu, dạn dĩ, biết hợp tác khi làm việc nhóm. Ngoài ra, HS còn có nhiều cơ hội tham gia hoạt động nhóm, tự khám phá nội dung bài học dưới sự hướng dẫn của GV nên giờ học được các trường đánh giá là hào hứng, thú vị hơn.
Tuy nhiên, theo bà Hà, cũng gặp không ít khó khăn đó là HS khi làm toán còn cần sự giúp đỡ nhiều của GV. "HS thiếu sự quan tâm của gia đình thì rất vất vả trong việc đọc câu, đoạn" - bà Hà nói.
Ở một góc độ khác, ông Hà Thanh Hải cho rằng đối với phụ huynh sẽ có nhiều ý kiến tùy thuộc yêu cầu và quan điểm giáo dục trong gia đình. Còn với GV, chương trình nặng hay nhẹ cũng tùy từng người. Chẳng hạn nếu GV muốn HS yêu mến môn tiếng Việt thì phải làm sao để các em yêu thích, từ đó biết cách giảng dạy, truyền đạt thế nào để HS thêm yêu mến, dễ tiếp thu. "Chương trình thì hay, mục tiêu của chương trình cũng đã rõ ràng, SGK được xem là một tài liệu giảng dạy cho nên tư tưởng, quan điểm của GV rất quan trọng khi triển khai chương trình. Có một thực tế là phần đông GV tiếp cận với SGK nhưng lại chưa tiếp cận với chương trình, mục tiêu chương trình được đầy đủ" - ông Hải cho biết.
Không nên so sánh với các năm trước
Trước đó, tại hội thảo "Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo chương trình, SGK mới" do Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết khi thực hiện chương trình mới, bên cạnh những thuận lợi chương trình cũng bắt đầu bộc lộ một số khó khăn. Tuy nhiên, đây là việc hết sức bình thường khi triển khai một chương trình mới. Chính vì những khó khăn nên có thể kết quả học tập của HS năm nay không bằng năm trước nhưng không nên so sánh theo hình thức này. Yêu cầu của chương trình mới có nhiều điểm khác, vì vậy cần phải có quá trình để đánh giá.
Bình luận (0)