xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học sinh thoải mái, thầy cô quá tải

Yến Anh - Đặng Trinh

Được đánh giá là giảm áp lực cho học sinh tiểu học nhưng nhiều ý kiến lại băn khoăn về chuyện quá tải cho giáo viên khi phải nhận xét bằng lời với lớp học có 50-60 em

Thông tư số 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức có hiệu lực từ ngày 15-10 sẽ thay thế quy định về đánh giá học sinh (HS) tiểu học trước đây.

Chỉ đánh giá, không cho điểm

Theo Thông tư 30, các trường tiểu học sẽ không dùng điểm số để đánh giá HS thường xuyên. Thay vào đó là hằng tháng, giáo viên (GV) ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn và hoạt động giáo dục khác của HS; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những HS chưa hoàn thành nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM) trong ngày khai giảng Ảnh: Tấn Thạnh
Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM) trong ngày khai giảng Ảnh: Tấn Thạnh

Khi nhận xét, GV cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ để giúp HS tự tin vươn lên. Quy định này áp dụng cho HS từ lớp 1 đến lớp 5, thay vì chỉ thí điểm ở lớp 1 như năm học trước.

Để bảo đảm tính khách quan của kết quả đánh giá chất lượng HS, đối với khối lớp 5, Thông tư 30 yêu cầu hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm học chung cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của GV trường THCS sẽ nhận HS vào lớp 6. Tuy nhiên, để linh hoạt, Bộ GD-ĐT cũng đề ra tình huống nếu có ý kiến chưa thống nhất thì hiệu trưởng xem xét, quyết định và báo cáo phòng GD-ĐT biết để theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc nhận xét hằng ngày sẽ giúp HS tiểu học có tâm lý thoải mái, không bị áp lực về điểm số và có thời gian học hỏi thêm nhiều kỹ năng sống khác.

Một giảng viên Khoa Sư phạm Tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: “Khi không bị lo lắng quá nhiều về điểm số, HS sẽ thấy nhẹ nhàng, không áp lực. Thêm vào đó, việc đánh giá bằng lời nhận xét sẽ giúp GV quan tâm đến trẻ nhiều hơn”.

Giảng viên này ví dụ: Nếu như 2 HS - 1 được 9 điểm, 1 được 8,5 điểm - thì GV hoàn toàn có thể cho điểm tương đương. Thế nhưng, với việc nhận xét bằng lời, GV sẽ phải quan tâm đến HS nhiều hơn để có những nhận xét đúng, đủ. “Không nên tạo áp lực, căng thẳng cho trẻ, điều quan trọng nhất là thầy cô phải đánh giá trẻ như thế nào để các em đến trường cảm thấy vui vẻ, hào hứng, có thêm thời gian để vui chơi, học các kỹ năng sống khác” - giảng viên này nhìn nhận.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, ngày nào cũng phải nhận xét một lượng HS lớn sẽ dẫn tới tình trạng GV ngán ngại. Hướng đổi mới này là rất tốt nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ, phải vượt khó; cha mẹ phải quan tâm tới con cái, có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giúp đỡ trẻ mới có sự chuyển biến.

Các chuyên gia đề xuất Bộ GD-ĐT nên linh hoạt cho các GV nhận xét bằng lời, không nhất thiết ngày nào cũng phải ghi vào vở. “GV có thể ghi ký hiệu ngôi sao ở vở HS (tương ứng với mức điểm giỏi, khá, trung bình, yếu) thay vì viết nhận xét. Như vậy, GV có thêm thời gian để dạy HS một số kỹ năng sống khác” - TS Vũ Thu Hương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu ý kiến.

Một lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT cho hay sẽ cố gắng giảm tải cho GV bằng cách chỉ yêu cầu ghi những điều cần thiết nhất vào sổ theo dõi mỗi tháng chứ không phải tất cả. Ông kỳ vọng ngoài việc nhận xét về kiến thức, cách làm này còn thể hiện tình cảm của GV. HS khi đọc nhận xét của GV cũng sẽ thấy được sự động viên của thầy cô.

Cô giáo Hoàng Thụy Bích Vân (lớp 4L Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, TP HCM) cho rằng việc nhận xét thay vì cho điểm khiến HS rất thích và khuyến khích phụ huynh tham gia đánh giá cùng với nhà trường. Trước đây, khi còn chấm điểm thì chỉ nhìn vào vở, điểm 8 hay 9 cũng khiến các em mặc cảm với bạn được điểm 10. Giờ đây, khi nhận xét, GV sẽ phê chỗ nào cần hay không cần. Chỗ nào HS viết đẹp, làm tốt thì cho thêm biểu tượng vui vẻ; chỗ nào cần lưu ý thì thêm ký hiệu.

Việc đánh giá như thế hay hơn điểm số rất nhiều. Đơn cử, trước đây, khi thấy con được điểm 10 thì phụ huynh yên tâm, không cần kiểm tra gì nữa nhưng khi thấy điểm 8 thì dù không hài lòng, họ vẫn không biết con yếu ở khâu nào để kèm cặp.

Tốn nhiều thời gian

Được đánh giá là giảm áp lực học hành cho HS nhưng nhiều ý kiến lại băn khoăn về chuyện quá tải cho GV khi thực hiện quy định mới của Thông tư 30.

Sĩ số HS mỗi lớp ở cấp tiểu học, nhất là lớp 1, thường rất đông, có lúc lên đến 60 em. Như vậy, GV sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhận xét cho tất cả HS. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng Thông tư 30 gây áp lực cho GV vì nhiều người chưa quen với cách đánh giá này. Khó nhất là việc phải nhận xét bằng lời nói trực tiếp hoặc viết vào phiếu, vở về những nội dung đã làm được, chưa làm được với từng HS hay nhóm HS.

Một GV dạy lớp 1 tại huyện Củ Chi, TP HCM cho biết khi áp dụng quy định mới thì HS hào hứng, phụ huynh cũng vui nhưng GV rất cực vì phải tốn nhiều thời gian và rất nặng nề. “Một lớp có 50-60 HS thì GV phải phê hết, nhận xét hết. Nếu dạy nhiều môn trong 1 ngày thì GV quá tải. Nhận xét hời hợt thì không được, HS không thích; còn nhận xét tỉ mỉ thì không có thời gian và GV không còn thời gian đầu tư tiết dạy” - GV này băn khoăn.

Theo bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP HCM), lúc đầu chưa quen, GV than quá tải nhưng sau đó, nhà trường hướng dẫn không bắt buộc GV phải phê hết. Chẳng hạn, hôm nay đánh giá tổ này nhưng ngày mai đánh giá tổ khác; để các tổ kiểm tra chéo cho nhau trên lớp. Việc kiểm tra chéo giúp HS có thêm nhiều kỹ năng, nắm kiến thức chắc hơn và cũng có trách nhiệm hơn với bài làm của mình. Khó khăn nhất là ở môn tiếng Việt vì nhiều bài văn, GV phải đọc kỹ, đọc hết, nhận xét từng câu như thế nào. Đặc biệt là phải giải thích làm sao để phụ huynh hiểu tất cả HS đều được đánh giá.

Cô giáo Hoàng Thụy Bích Vân cho biết điều băn khoăn nhất hiện nay là chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc GV khi nhận xét. Chẳng hạn, không cần phải nhận xét hết mà chỉ luân phiên chọn một số HS hay một tổ để đánh giá, rồi lại tiếp tục xoay vòng. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3, TP HCM cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn cụ thể thì GV càng cảm thấy áp lực.

“Chúng tôi luôn nhắc nhau khi nhận xét bài làm của HS, GV không được dùng những từ ngắn gọn như: được, chưa được, cần cố gắng, cố gắng… mà phải dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tình cảm, tránh tổn thương trẻ, nhận xét thật dài để HS yên tâm là mình được GV quan tâm. Thế nhưng, không có hướng dẫn về việc đánh giá luân phiên, xoay vòng thì GV rất khó có thời gian nhận xét đầy đủ, chính xác từng HS” - hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội bày tỏ. 

Không thống nhất

Nhiều GV cũng băn khoăn về việc tổ chức nhận xét suốt quá trình học tập của HS trong năm nhưng khi kiểm tra cuối kỳ thì lại dùng điểm số. “Nếu đã nhận xét sao không tổ chức nhận xét cả năm? Chẳng hạn, HS được lên lớp hay còn cần cố gắng ở môn nào, phụ huynh cũng dựa vào đó để dễ hỗ trợ GV” - một GV tiểu học ở TP HCM đề xuất.

 

Thay lời nhận xét bằng những bông hoa

Tại TP HCM, việc đánh giá HS bằng nhận xét đã được một số trường tiểu học thực hiện từ vài năm trước.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, hiệu trưởng Phạm Thúy Hà cho biết đã tổ chức đánh giá bằng nhận xét ở một số môn ít tiết học như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật vài năm nay. Ban đầu, GV lúng túng vì từng quen với việc cho điểm số nhưng qua một thời gian thì họ đã thích nghi.

“Trước đây, mỗi HS có ít nhất 20 cột điểm cho các môn. Bây giờ, HS sẽ nhận được lời phê của GV chỗ nào được hay chưa được, chỗ nào cần cố gắng, phát huy. Chính vì tỉ mỉ như thế, HS sẽ biết mình còn yếu khâu nào, phụ huynh cũng tham gia được vào quá trình học tập của con thông qua những nhận xét cụ thể của GV” - bà Hà nhìn nhận.

Một số trường tiểu học khác ở TP HCM như Lương Thế Vinh (quận 7), Lương Định Của (quận 3), Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)... cũng tổ chức đánh giá HS bằng nhận xét từ học kỳ 1 của năm học vừa qua.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, ở lớp 1, nhiều trẻ chưa đọc thông thạo nên khi GV viết lời phê thì không hiểu. Chính vì thế, nhiều trường đã thay hình thức nhận xét bằng việc thiết kế những bông hoa, những ngôi sao với nhiều màu sắc. Chẳng hạn: màu đỏ là đã làm tốt, màu xanh là khá và màu vàng thì còn cố gắng. Hình thức đánh giá dễ thương này cùng với lời nhận xét ân cần, tỉ mỉ của GV được cho là thắt chặt tình cảm thầy trò, khiến GV có trách nhiệm hơn trong cả lời nói lẫn lời phê của mình.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo