Khi tìm đến tư vấn tâm lý, điều các em HS cần nhất có người lắng nghe và thông cảm với mình. (Ảnh minh họa)
Hỏi ra mới hay, những HS này từng được giáo viên (GV) tư vấn gọi lên phòng khuyên nhủ: “Các em yêu nhau cô không cản, làm gì ở đâu cô không biết nhưng không được ôm nhau trong trường”. Vô tình, lời khuyên của GV tư vấn đã khuyến khích các em thoải mái yêu, miễn sao không làm gì trong trường, ra ngoài cổng là... tự do.
Tại hội nghị tập huấn cho GV tư vấn học đường mới đây do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, tình huống “HS âu yếm nhau trong trường” tưởng như đơn giản lại là bài toán hóc búa với các tư vấn viên. Nhiều GV cho hay trong trường hợp này, họ cũng chỉ biết khuyên “Các em đừng làm vậy trong trường”. Có cô thì ngồi đọc hẳn một bài giáo huấn về phẩm chất, đạo đức, giá trị, đặt biệt là của các bạn nữ để “răn đe” và mong HS “tỉnh ngộ”. Có người còn tỏ thái độ miệt thị, chê bai các em không tiếc lời.
Một giáo viên dạy giáo dục công dân kiêm tư vấn viên tại một trường THPT ở quận 8 cho hay có lần thầy cô trong trường bắt gặp em HS nữ ngồi lên đùi HS nam trong lớp học. Sau đó, gọi các em lên phòng ban giám hiệu và bị ghi tội “sàm sỡ trong lớp học”. Nhưng rồi không có quy định nào xử lý nào “tội” này nên tội của hai em vẫn nằm trên giấy.
“Các em bây giờ yêu rất sớm, rất bạo dạn nên thầy cô… không theo kịp. Có trường hợp mình cần trò chuyện với phụ huynh để cùng quan tâm các em thì phụ huynh nổi khùng cho rằng mình đặt điều, chứ con họ ở nhà ngoan, còn con nít, biết yêu đương là gì? Phụ huynh không hợp tác cũng là một khó khăn của những thầy cô làm tư vấn”, giáo viên này chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, chính GV tư vấn còn hiểu chưa đúng về bản chất của công việc tham vấn. Tham vấn là lắng nghe, thông cảm và thấu hiểu vấn đề của thân chủ - mà trong tư vấn học đường đối tượng thân chủ chính là HS - tuy nhiên, tư vấn viên vẫn giữ nặng vị trí, khoảng cách thầy - trò nên việc tư vấn không hiệu quả.
Khi tư vấn, điều các em cần nhất là sự thông cảm, sau đó mới cùng nhau tìm hướng giải quyết phù hợp cho từng tình huống, hoàn cảnh. Nhưng nhiều giáo viên tư vấn lại nặng về răn đe, khuyên nhủ, áp đặt. Nếu chỉ vậy chắc HS không cần đến chuyên viên tư vấn vì những lời răn đe, khuyên nhủ các em có thừa ở bố mẹ, thầy cô. Điều này có thể càng tăng thêm ức chế cho các em.
Giáo viên tư vấn tâm lý tại các trường học ở TPHCM tham gia tâm huấn nâng cao chuyên môn.
TS Đinh Phương Duy, phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM, cho hay việc có phòng tư vấn tại các trường học hiện nay là điều cần thiết thế nhưng chất lượng chuyên môn của tư vấn viên là một trong những khó khăn đáng lo ngại. Ông đánh giá số lượng tư vấn viên có kinh nghiệm, chuyên môn có nhưng rất ít, trường hợp này lại hay bị quá tải. Còn nữa, nhiều trường phải tuyển những người không đúng chuyên ngành, tư vấn viên yếu chuyên môn hoặc giao cho GV bộ môn kiêm nhiệm nên việc xảy ra các tình huống khóc cười trong tư vấn không phải là hiếm.
Ông Duy đã từng gặp trường hợp giáo viên khi tư vấn cho HS còn lôi sách tử vi, bói toán ra để xem tuổi, xem số để xem chuyện học hành, yêu đương của các em mà ông cũng chỉ biết lắc đầu.
TS Duy nhấn mạnh việc được tư vấn tâm lý, có thể giúp HS kịp thời giải tỏa những ức chế của mình, có được hướng đi phù hợp nhưng nếu các em gặp phải tư vấn viên thiếu chuyên môn, tư vấn “lệch” sẽ rất nguy hiểm theo kiểu: “Trường hợp người ta không đáng ly dị, đi tư vấn tâm lý về lại bỏ vợ bỏ chồng cũng như có những HS đang giỏi, đang ngoan, gặp tư vấn viên về thành HS yếu, hư… Vì thế việc đào tạo nghiệp vụ cho giáo viên tư vấn học đường cần được chú trọng một cách nghiêm túc”.
Bình luận (0)