Một cuộc thăm dò ý kiến thực hiện mới đây với 250 học sinh lớp 9 ở một số trường THCS tại TP HCM, cho thấy nhu cầu cần được tư vấn tâm lý của học sinh rất lớn. Tuy nhiên, các em không biết tìm ai để gỡ rối tơ lòng khi hoạt động của phòng tư vấn tâm lý học đường chưa thực sự là nơi tin cậy để các em tìm đến.
Cả tháng mới được ba nói chuyện một lần
Khi được hỏi ở nhà ba mẹ có thường xuyên nói chuyện với các em không? 20% trả lời không bao giờ; 40% cho biết nói chuyện đồng nghĩa với la mắng; 20% thường xuyên quan tâm hỏi han; 10% thường nói về công việc, gia đình, xã hội; 5% nói về sự xích mích với nhà hàng xóm; 5% hỏi con về quan hệ bạn bè. Có không ít em cho biết cả tháng mới được ba nói chuyện một lần.
Các em cho biết những lần ba mẹ nói chuyện chủ yếu là về học tập, ít khi có những vấn đề khác. Và càng lớn thì những lần nói chuyện với ba mẹ càng ít. “Hồi học cấp 1, ngày nào em cũng được ba mẹ nói chuyện, vui đùa. Lên cấp 2 ít dần và bây giờ lại càng hiếm” - một học sinh chia sẻ.
Khi có chuyện buồn, em tâm sự với ai? 21% cho biết các em thổ lộ với mẹ, 5% tâm sự với ba, 25% tự mình giải quyết, 7% nói với anh chị em trong gia đình, 22% với bạn bè, 14% chia sẻ với thầy cô, 6% tâm sự với đồ vật (gấu bông, mèo bông, chó bông…).
Những vướng mắc trong cuộc sống đa phần các em tự giải quyết vì “như vậy đỡ phiền hà” và tình trạng “càng tự mình giải quyết lại càng rắc rối hơn và đã có những lúc em rơi vào trạng thái trầm cảm”.
Tư vấn tâm lý: Có như không
Cũng có một số em khẳng định khi gặp chuyện buồn, thường không thích chia sẻ với ai và lại càng không thích nói chuyện của mình với một người xa lạ. Các em sợ chuyên viên tư vấn tâm lý sẽ nói chuyện của mình với người khác nên không tin tưởng vào chuyên viên tâm lý. “Chuyên viên tư vấn họ đâu có quan tâm đến mình, không hiểu mình thì làm sao có thể nói chuyện với họ, còn nếu họ quan tâm thì đã tự tìm đến mình rồi” - một học sinh thổ lộ.
Các em cũng cho biết rắc rối về tâm lý ở lứa tuổi phổ thông thường gặp là thầy cô la mắng, xích mích với bạn bè, chuyện tình cảm riêng tư và cũng có không ít em trả lời rằng bị ám ảnh bởi một nhân vật nào đó trong phim. Ngoài ra, các em phải đối mặt với thay đổi do sinh lý lứa tuổi; vấn đề tình dục - giới tính; cách xử lý khi bị ba mẹ, thầy cô mắng oan, bạn bè hiểu lầm; xử lý thế nào khi thầy cô thành kiến với mình; làm thế nào để xin tiền ba mẹ mà không bị từ chối…
Với câu hỏi nếu trường có phòng tư vấn tâm lý, em có đến không? Rất nhiều ý kiến trái ngược nhau: 30% trả lời không đến, 20% nói rằng “em sợ vào phòng tâm lý các bạn cho em bị tâm thần”, 100% đều trả lời: Rất ngại với bạn bè khi vào phòng tâm lý.
Trong cuộc khảo sát, một số học sinh bày tỏ trường em có phòng tâm lý nhưng không có chuyên viên tâm lý; trường em có phòng tâm lý nhưng chỉ mở cửa khi có thanh tra của sở giáo dục và đào tạo kiểm tra; một số em không biết trường mình có phòng tâm lý hay không; có em cho biết chưa bao giờ vào phòng tâm lý vì phòng này không mở cửa…
Chủ động chia sẻ với học sinh
Để phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, thực sự giúp học sinh gỡ rối, các trường cần lưu ý: Phòng tư vấn không được đặt lộ thiên để tránh tâm lý e ngại hoặc bị bạn bè dè bỉu “vào phòng tâm lý là bị bệnh tâm thần”.
Bên cạnh đó, chuyên viên tâm lý phải chủ động gặp các em, đến từng lớp để nói chuyện vào giờ sinh hoạt để làm quen trước, tạo niềm tin về sự chia sẻ. Giữa giáo viên chủ nhiệm và chuyên viên tâm lý phải thường xuyên liên hệ với nhau. Những trường hợp nào giáo viên chủ nhiệm thấy có vấn đề nên bật “xi nhan” trước để chuyên viên tâm lý chủ động gặp các em, không nên thụ động ngồi ở phòng, đợi các em tìm đến tư vấn. Chuyên viên tư vấn phải thực sự có trình độ, nếu không sẽ không đủ khả năng giải quyết những tình huống mà học sinh gặp phải...
Bình luận (0)