Tháng 8 năm nay ông Lê Viết Hào về VN với kỳ vọng đưa những ý tưởng về phần mềm của báo chí Mỹ phát triển vào báo chí VN. Giọng Nam Bộ nhỏ nhẹ, ông cho biết: “Kỳ này tôi hợp tác với một số tờ báo lớn ở TPHCM làm phần mềm cho tuần san và phần thể thao. Một số tờ báo lớn của Mỹ hiện đang sử dụng những phần mềm có dung lượng hàng trăm trang, rồi zoom in hoặc out sao cho có thể download những trang cần tải. Tôi đang cố gắng đưa dạng phần mềm như vậy vào một số tờ báo, giúp chuyển tải thông tin nhanh hơn, vì chúng có thể hiển thị hàng trăm trang cùng một lúc”.
Đưa hình ảnh VN ra nước ngoài
Ông Lê Viết Hào, 52 tuổi, Việt kiều sinh sống tại Toronto, Canada, Chủ tịch Tập đoàn Content Interface, chuyên sản xuất phần mềm và làm PR. Công việc thuận lợi do ông biết tích lọc được công nghệ của thế giới cộng với say mê của bản thân, ông mở rộng sang Nhật, là nơi ông theo học đại học và gặp người vợ thân yêu. Làn gió đổi mới đã kéo ông về với quê hương. Đầu năm nay, ông lập Công ty VietNetwork tại TPHCM chuyên về lập trình, thu thập dữ liệu, công nghệ envision, đồng thời hỗ trợ đào tạo những kỹ sư công nghệ thông tin (IT). Công ty của ông ngày càng được biết đến do phong cách làm việc trung thực, đáng tin cậy, trở thành địa chỉ truy cập của Việt kiều cũng như dân “sành” IT cao. Vậy mà ông Hào không muốn dừng lại với những thành quả đã đạt được. Ông ấp ủ mong muốn quảng bá được hình ảnh VN ra nước ngoài để nhiều người trên thế giới không chỉ nhìn VN qua lăng kính của chiến tranh mà còn qua những vẻ đẹp tiềm ẩn chưa được khai phá hết. Ông kể, sống ở nước ngoài lâu năm, khi có người hỏi ông là người nước nào, ông đáp “VN” thì người ta chỉ biết nói “À, tôi biết VN qua chiến tranh” mà không biết đến vẻ đẹp kỳ ảo của vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc cát long lanh trắng, những bãi biển đẹp dịu dàng, mơ màng bên biển đông.
Chính vì vậy, ông Hào lập chương trình phần mềm “Envision”, tạo nội dung chuyên về VN với 14 đề mục như lễ hội, danh lam thắng cảnh, người đẹp, doanh nhân... Thay vì phải mở nhiều giao diện, chỉ bằng một cái nhấp chuột đơn giản, người truy cập có thể tìm được rất nhiều thông tin liên quan tới phong cảnh VN được thiết kế tiện lợi, bắt mắt, sinh động với các dòng chữ, hình ảnh, video và âm thanh chân thực, thay vì phải mở nhiều giao diện cùng một lúc. Chỉ cần click vào một bức ảnh về Hạ Long chẳng hạn, sẽ có hàng trăm bức ảnh liên quan đến Hạ Long xuất hiện, kèm các thông tin, bài viết về phong cảnh, lịch sử, địa lý, con người, cho đến các nhà hàng, khách sạn tại đây. Các trang về vịnh Hạ Long, Lăng Cô và Phú Quốc đã đi vào hoạt động nhưng với con người tham vọng về IT như ông Hào thì chưa đủ. “ Tôi muốn mục lục phải có hàng trăm ngàn hay một triệu hình ảnh, phải có demo để mọi người post lên thì mới coi như xong”- ông tâm sự. Chẳng thế mà hồi tháng 3, khi được Ủy ban người VN ở nước ngoài mời về dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, ông Hào không lúc nào rời chiếc camera. Ông muốn thu vào ống kính tất cả những nét đẹp của mảnh đất Tổ, để tạo lập thêm một trang web mới về vùng đất thiêng liêng, nơi tạo dựng cội nguồn Việt. Ông cứ xuýt xoa tiếc mãi là không có đủ thời gian để được tham quan Bảo tàng các Vua Hùng, bàn với các cán bộ bảo tàng để cùng nhau lập một trang web quy mô, đưa thêm vào mục lục một địa danh nổi tiếng của xứ sở.
Học trực tuyến nhanh
Xa quê hương từ năm 1974, ông Hào học và làm việc tại Nhật 8 năm liền, sau đó định cư tại Canada năm 1982. Làm việc tại TPHCM, ông thấy thanh thiếu niên thường vào các quán net để “chat” hay chơi những trò games vô bổ chứ không học hỏi được nhiều. Ông lập tức có ý tưởng làm một chương trình phần mềm mang tính giáo dục cao nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ. Theo ông Hào, cách học trực tuyến bằng phần mềm Envision rất sinh động và phong phú nên các em có thể học nhanh gấp 5 đến 10 lần cách học thông thường. Hình ảnh trực quan cùng âm thanh sống động thông qua các video clip sẽ làm các em say mê học tập hơn.
Trước tiên Envision sẽ bắt đầu với chương trình sách giáo khoa lớp 1, sau đó sẽ là các cấp học cao hơn, thậm chí cả đại học. Ông Hào hy vọng qua đó sẽ góp phần đào tạo ra một thế hệ trẻ hoàn toàn mới, được giáo dục bằng phương pháp hiện đại hiệu quả hơn nhiều. Đầu tiên, chương trình này ông sẽ áp dụng với các trẻ em VN ở nước ngoài, sau đó ông muốn áp dụng cho các học sinh trong nước. Tuy nhiên, theo ông Hào vấn đề nan giải là làm sao phải đào tạo được đội ngũ giáo viên giỏi nghề.
Khi lập Công ty Viet Network, ông Lê Viết Hào muốn tiến tới sản xuất những phần mềm hoàn chỉnh để xuất khẩu ra nước ngoài, thay vì chỉ biết nhận làm các hợp đồng gia công hoặc sản xuất phụ tùng từ nước ngoài. Đầu tiên, ông và các đồng sự sẽ mở ra hướng sản xuất phần mềm và tiêu thụ ngay chính tại VN. Tham vọng lớn, ấp ủ nhiều, ông Hào vẫn đang tiếp tục những chuyến công du con thoi để tìm ra những sản phẩm phần mềm có tầm cỡ, uy tín và chất lượng.
Bình luận (0)