Phát biểu khai mạc chương trình, GS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP HCM, cho biết lịch sử là tấm gương phản chiếu của quá khứ đến tương lai, là cuộc đối thoại không ngừng giữa quá khứ và tương lai.
Hội Khoa học Lịch sử TP HCM đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, phản biện xã hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn như: tham gia xây dựng bộ Quốc sử Việt Nam, Lịch sử TP HCM; đoàn kết các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam tham gia vào quá trình đổi mới trong công tác giảng dạy.
Nhà sử học Nguyễn Đình Tư dù hơn 100 tuổi vẫn đến tham dự và đóng góp ý kiến
PGS-TS Đặng Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Lịch sử TP HCM, nhấn mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua, hội đã hoàn thành đề tài khoa học trọng điểm "Lịch sử TP HCM" và đồng tổ chức các hội thảo khoa học do TP HCM và các địa phương thực hiện..
Phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ VIII là tiếp tục tổ chức Ngày hội sử học định kỳ; tổ chức phát hành tập sách "Nam Bộ đất và người"; quảng bá về lịch sử và văn hoá bằng nhiều hình thức đến cộng động...
Hội Khoa học Lịch sử TP HCM dự kiến có 40 thành viên trong BCH của nhiệm kỳ 2023 - 2028; thành lập 2 chi hội khoa học lịch sử mới là Chi hội Khoa học Lịch sử Học viện Chính trị khu vực II và Chi hội Khoa học Lịch sử Bảo tàng Áo dài.
Tong khuôn khổ của ngày hội còn diễn ra chương trình trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội, trao học bổng cho sinh viên có niềm đam mê với lịch sử, văn hoá.
Chương trình thu hút hơn 400 người tham dự
Cuộc vận động thành lập Hội Khoa học Lịch sử TP HCM được khởi động từ tháng 11-1986 với các hoạt động tuyên truyền phát triển hội viên và tổ chức sinh hoạt các chủ đề lịch sử.
Được UBND TP HCM chính thức công nhận vào giữa năm 1987, Hội Khoa học Lịch sử TP HCM là đơn vị đầu tiên trực thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, là trung tâm khoa học của giới sử học TP HCM.
Bình luận (0)