Sau khi kết thúc bài thi tổ hợp xã hội sáng 29-6, nhóm giáo viên tổ xã hội - Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận xét đề thi môn lịch sử có 80% câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc những kiến thức cơ bản, thí sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng. 20% câu hỏi thuộc phần vận dụng - vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 - 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới.
Dễ đạt được 6-7 điểm
Thầy Hồ Như Hiển (Tuyensinh247.com) nhận định với đề thi lịch sử năm nay, học sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35, để đạt điểm 9-10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định.
Đề thi địa lý có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi tham khảo với tỉ lệ câu hỏi lý thuyết/thực hành là 52,5%/47,5%, tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu/vận dụng và vận dụng cao là 75%/25%. Điểm đặc biệt trong đề thi địa lý là những câu hỏi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam đề bài không ghi rõ số trang mà ghi tên trang Atlat học sinh cần sử dụng. Thầy Vũ Hải Nam - giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, đánh giá đề thi môn địa lý không quá khó với thí sinh có lực học từ khá trở lên. Đề có sự phân hóa cao, để xét tốt nghiệp học sinh chỉ cần học tốt các kỹ năng địa lý và kiến thức lý thuyết cơ bản là có thể làm được trên 7 điểm. Còn với môn giáo dục công dân, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 - 8.
Thí sinh vui mừng khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: TẤN THẠNH
Đánh giá về bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, các giáo viên tổ tự nhiên của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng đề thi vật lý không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, không có loại câu hỏi kết hợp kiến thức của nhiều chuyên đề. Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lý 12. Đề thi môn hóa không quá khó, không có câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã được giảm tải. Đề thi năm nay có xuất hiện một số câu hỏi tính toán gắn liền với đời sống thực tế. Đề thi môn sinh có độ phân hóa vừa phải để xét tuyển đại học. Có sự đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, tăng yêu cầu đánh giá bản chất môn học… Nhìn chung, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6 - 7 một cách dễ dàng.
Ban Chuyên môn Bộ môn tiếng Anh tại Tuyensinh247.com đánh giá ở đề thi năm nay bài đọc hiểu khó hơn so với đề tham khảo, mang tính chất phân loại cao, học sinh trung bình được khoảng 4 điểm, học sinh khá được khoảng 7 - 8 điểm, học sinh giỏi hoàn toàn có thể đạt 9 - 9,6 điểm và số lượng điểm 9 - 9,6 sẽ tương đối nhiều.
Dữ liệu đề trùng nhưng lệnh hỏi khác nhau!
Ngay sau khi kết thúc môn thi tiếng Anh, chiều 29-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi. Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc phần nghị luận xã hội của đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023 trùng với đề thi vào lớp 10 của Sở GD-ĐT TP Hà Nội, đề nghị luận văn học trùng với đề thi thử của Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban Đề thi, cho hay Hội đồng thi tốt nghiệp THPT vào làm việc từ ngày 2-6, khi kỳ thi lớp 10 chưa diễn ra, nên không có thông tin về đề văn của Hà Nội. "Khi nhận được thông tin, hội đồng đã họp và thấy rằng đề thi ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi cũng khác nhau" - ông Nguyễn Ngọc Hà lý giải.
Về ý kiến trùng lặp với đề thi ở Nghệ An, ông Hà cho biết Bộ GD-ĐT không có dữ liệu, vì không tìm được đề này trên mạng nên hệ thống không thể quét được để tránh. Ông Hà cho rằng phần ngữ liệu có thể trùng lặp, song lệnh hỏi khác nhau. Điều này là bình thường với môn văn vì chương trình có 17 tác phẩm, mỗi tỉnh có 2-3 lần thi thử nên không tránh khỏi việc trùng dữ liệu. Điều quan trọng là lệnh hỏi khác nhau.
Trưởng Ban Đề thi cho hay thêm năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện quy trình có kiểm soát bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp. Cụ thể, số lượng dữ liệu Bộ GD-ĐT thu thập được lên tới 120 Gb, bao gồm các đề đã thi, câu hỏi tìm kiếm được thông tin trên mạng và các cơ sở giáo dục gửi tới. "Tất cả các môn thi đều sử dụng cách thức này nên đã hạn chế rất nhiều phần trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào dữ liệu chúng ta có" - ông Nguyễn Ngọc Hà nói thêm.
Trả lời các ý kiến trái chiều liên quan đến đề thi môn văn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đó là những ý kiến, quan điểm của từng cá nhân. Bộ GD-ĐT ghi nhận, tiếp thu để phục vụ cho công tác chuyên môn tiếp theo. "Có thể thấy, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện đang cấp bách hơn bao giờ hết, từ chương trình, sách giáo khoa đến nội dung thi cử. Tuy nhiên, dù đổi mới vẫn phải trải qua giai đoạn giao thời nhất định" - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhìn nhận.
Trường hợp “lọt đề” ra ngoài: Tính đến yếu tố nhân văn
Liên quan đến ảnh đề thi môn toán và ngữ văn được chuyển ra bên ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, cho hay cơ quan công an đã nhanh chóng phối hợp xác minh ở các địa phương xảy ra sự việc và cũng đã xác định được những người kết nối ở bên ngoài. Về hướng xử lý 2 thí sinh, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, tăng nhẹ để xử lý theo quy định. Trong trường hợp phải xử lý hình sự thì sẽ căn cứ vào quy định pháp luật. Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn. "Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả sẽ thông tin tới báo chí" - Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết.
Bình luận (0)