Nhận thức này cần thay đổi bởi SGK chỉ là một trong những tư liệu dạy học khi triển khai chương trình mới, kéo theo nhiều thay đổi về kiểm tra, đánh giá học sinh (HS).
Tại hội nghị, sau khi nghe tổng hợp các ý kiến của GV, nhà trường, các phòng GD-ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết có rất nhiều ý kiến từ các trường thông tin hiện nay, trang thiết bị dạy chưa được trang bị đầy đủ trong khi năm học mới đã bắt đầu. "Về vấn đề này, các phòng GD-ĐT cần lưu ý để kịp tháo gỡ khó khăn cho các trường, gấp rút trang bị thiết bị dạy học theo quy định" - bà Thúy nhấn mạnh. Đối với khó khăn tại một số cơ sở giáo dục, chưa thể bảo đảm 100% HS lớp 2, 3 được học 2 buổi/ngày thì nhà trường cần linh hoạt các hình thức dạy học. "Các cơ sở giáo dục có thể linh hoạt tổ chức nhiều hình thức dạy học, như dạy trực tuyến, vì được học 2 buổi/ngày là quyền lợi của các em" - bà Thúy nhấn mạnh.
Nhiều câu hỏi được đặt ra tại hội nghị, trong đó có các vấn đề như thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy 2 môn tiếng Anh, tin học; tình trạng học sinh tiểu học bị vẹo cột sống, cận thị ngày càng nhiều...
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, trong năm học vừa qua, hình ảnh GV qua màn hình trực tuyến mà dạy cho các em lớp 1 biết đọc, biết viết là hình ảnh rất khó quên, thể hiện sự cố gắng rất lớn của đội ngũ thầy cô giáo. Sở ghi nhận công sức, tâm huyết, nỗ lực vượt qua khó khăn của các thầy cô. Năm học mới 2022-2023 bắt đầu với nhiều thuận lợi hơn nhưng không vì thế mà các cơ sở chủ quan.
"Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, 2, 3 trong thời gian qua tại TP HCM gặp nhiều khó khăn và sắp tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Khó khăn từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực để thực hiện…" - ông Quốc thông tin. Lưu ý trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết các thầy, cô giáo cần thay đổi thói quen, phương pháp dạy học cũ là truyền dạy kiến thức mà cần chú ý hơn đến việc phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. "Hiện nay, đâu đó giáo viên vẫn mang tâm lý chờ hướng dẫn xây dựng giáo án từ cơ quan chuyên môn, quá phụ thuộc vào ngữ liệu trong một bộ SGK. Nhận thức này cần thay đổi bởi SGK chỉ là một trong những tư liệu dạy học khi triển khai chương trình mới, kéo theo nhiều thay đổi về kiểm tra, đánh giá học sinh" - ông Quốc nhấn mạnh.
Bình luận (0)