Sáng 16-4, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022 do Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, Trường ĐH Đồng Nai tổ chức đã khai mạc tại Trường ĐH Đồng Nai. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh ĐN1 của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai.
Thông tin kịp thời về thay đổi tuyển sinh
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm học sinh (HS) Trường THPT Trấn Biên và các trường THPT khu vực TP Biên Hòa đã tập trung tại Trường ĐH Đồng Nai để tham dự chương trình tư vấn.
Đánh giá cao chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức trong suốt hơn 20 năm qua, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, đánh giá đây là chương trình thật sự có ý nghĩa khi các em sắp kết thúc giai đoạn phổ thông để bước vào giai đoạn mới với nhu cầu chọn nghề, chọn ngành, chọn trường để học tập. Thông tin về dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022, TS Phạm Như Nghệ cho biết năm nay, Bộ GD-ĐT có một số điều chỉnh kỹ thuật. Cụ thể, việc đăng ký hoàn toàn trực tuyến. Tất cả nguyện vọng của thí sinh đều được sắp xếp, lọc ảo để các em trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương, các trường rà soát dữ liệu học phổ thông của HS, cập nhật dữ liệu để đối chiếu, bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng. Các trường ĐH phải giải thích được việc sử dụng các phương thức, chỉ tiêu từng ngành. Điểm ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay, không áp dụng các năm trước. "Những điểm mới nêu trên nhằm tạo thuận lợi cho các trường, công bằng cho thí sinh" - TS Phạm Như Nghệ nói.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng nghề nghiệp - thông tin: Năm nay, các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tổ chức thu hút gấp 3 lần thí sinh so với năm 2021 và trở thành phương thức quan trọng. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM có trên 80.000 thí sinh tham gia, trong đó tỉnh Đồng Nai hơn 5.500 thí sinh và có nhiều trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển. Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực đã xong, đợt 2 đang mở cổng cho thí sinh đăng ký trực tuyến. "Các thí sinh được quyền đăng ký trên hệ thống của ĐHQG hoặc đăng ký trực tiếp tại các trường không sử dụng chung hệ thống. Tại Đồng Nai, Trường THPT Trấn Biên có đông thí sinh dự thi đánh giá năng lực nhất" - TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.
Học sinh Đồng Nai đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: TẤN THẠNH
Yêu cầu cao hơn về khối ngành sức khỏe, sư phạm
Rất nhiều học sinh Đồng Nai băn khoăn về năng lực phát triển ngành y tế trong tương lai khi đọc thông tin thấy nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. Nếu đăng ký vào nhóm ngành liên quan đến y tế thì cơ hội việc làm ra sao? PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trả lời: Trong suốt 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế gồng mình đối phó với dịch. Các bệnh viện lớn chịu áp lực nhiều hơn những trạm y tế phường, xã… và chưa có sự dàn trải giữa các tuyến y tế. Vì vậy, nhân viên y tế chịu nhiều áp lực, quá tải, dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc và nghỉ việc. Hiện nay, TP HCM chủ trương hỗ trợ kinh phí đưa các bác sĩ về thực tập tại trạm y tế cơ sở, sau đó về thực tập tại các bệnh viện trong vòng 18 tháng. "Các nhân viên y tế sẽ được cấp chứng chỉ và tạo điều kiện việc làm sau đó. Do đó, các em có quyền hy vọng tương lai tươi sáng hơn về ngành y và vấn đề việc làm, tiền lương sau này" - PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm nhấn mạnh.
Theo TS Phạm Như Nghệ, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, dư luận cho rằng điểm chuẩn của các ngành đào tạo về y tế năm 2020 sẽ giảm nhưng trên thực tế, Bộ GD-ĐT quy định điểm chuẩn cao hơn. Điều này có nghĩa là khi tình hình dịch bệnh càng căng thẳng thì yêu cầu về chất lượng đào tạo lại càng phải cao để đáp ứng nhu cầu về sức khỏe của người dân và cộng đồng.
HS Thùy Linh đặt câu hỏi: Em muốn học ngành Sư phạm Hóa tại Trường ĐH Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp, em có được sắp xếp công việc tại Đồng Nai hay phải tự đi xin việc? TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, trả lời: Ngành Sư phạm Hóa tại trường đang thực hiện theo đơn đặt hàng của tỉnh Đồng Nai nên sau khi tốt nghiệp, các em có việc làm. Vấn đề của các em là cố gắng để trau dồi kiến thức, kỹ năng. Tỉnh Đồng Nai đang phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ nên rất cần nhân lực chất lượng cao. Khi chọn nghề, các em nên chọn theo đam mê, khả năng, nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Nếu 3 yếu tố này kết hợp được với nhau thì khả năng thành công rất cao.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết năm nay trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và dùng kết quả này cùng với kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Nội dung bài thi gắn liền với chương trình phổ thông. Mỗi bài thi tương ứng với một môn và kết quả này chỉ được xét một số ngành phù hợp, có liên quan đến môn đó. Nếu thí sinh xét tuyển vào nhiều ngành thì có thể đăng ký nhiều môn thi. Nhà trường cũng bố trí những bài thi không trùng nhau để tiện cho thí sinh. Bài thi theo hình thức trắc nghiệm, chỉ riêng môn ngữ văn là hình thức tự luận.
Hàng chục câu hỏi của HS được giải đáp thấu đáo tại buổi tư vấn. Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2022" với sự đồng hành của Công ty CP Phân bón Bình Điền; Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời đại (Sun Group); Trường CĐ Nova (Nova College); Tập đoàn Vingroup - Công ty CP; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM và Công ty CP Uniben - sẽ tiếp tục được tổ chức tại Long An vào ngày 23-4.
Đề thi tốt nghiệp có dễ hơn?
HS TP Biên Hòa khiến các thành viên ban tư vấn bất ngờ khi đặt những câu hỏi đúng trọng tâm, sắc sảo. HS Thái Thùy Linh, Trường THPT Trấn Biên, hỏi: Em nghe nói đề thi THPT năm nay sẽ dễ hơn các năm trước do thí sinh phải học online trong thời gian dài vì dịch Covid-19? TS Phạm Như Nghệ trả lời: Năm nay không phải năm đầu tiên thí sinh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và cũng không có cơ sở nói chất lượng học tập kém hơn năm trước. Đề thi của Bộ GD-DT phù hợp với việc tổ chức học tập của các địa phương dựa trên nội dung đã học tập.
Giáo viên THPT gặp khó khăn trong hướng nghiệp
Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2022", chiều 16-4, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hướng nghiệp cho hơn 100 giáo viên của tỉnh Đồng Nai.
Nhiều giáo viên chia sẻ họ gặp rất nhiều khó khăn khi kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, thiếu kiến thức, công cụ cũng như thông tin mới về ngành nghề…
Giáo viên chia sẻ cùng TS Lê Thị Thanh Mai về công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay. Ảnh: BẢO LÂM
TS Phạm Như Nghệ cho rằng để thực hiện công tác hướng nghiệp đạt kết quả tốt, giáo viên phải hiểu rõ 7 khối ngành và 23 lĩnh vực để tư vấn cho học sinh. Đây là điều không hề dễ dàng đối với đội ngũ giáo viên đang phải kiêm nhiệm nhiều vai trò và chưa được bồi dưỡng kỹ năng hướng nghiệp. Do đó, TS Phạm Như Nghệ chia sẻ khó khăn của thầy cô giáo trong vấn đề này và mong buổi tập huấn sẽ là cơ hội tốt để đội ngũ giáo viên có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng giúp ích cho các em học sinh trước khi lựa chọn ngành học phù hợp.
TS Lê Anh Đức cho rằng thầy cô đóng vai trò quan trọng vì hiểu rõ năng lực, sở thích, khả năng, đam mê của các em bên cạnh chương trình đào tạo của trường ĐH và kiến thức thực tế từ doanh nghiệp. "Trong thời gian tới, tôi hy vọng mối liên kết này sẽ thêm vững chắc để giúp các em chọn đúng ngành nghề, từ đó có công ăn việc làm ổn định sau này; bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ lựa chọn đội ngũ nhân viên đúng năng lực" - TS Lê Anh Đức nhận định.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên - ĐHQG TP HCM, chia sẻ những khó khăn trong công tác hướng nghiệp của giáo viên THPT hiện nay và cung cấp các thông tin hướng nghiệp và kỹ năng hướng nghiệp để giáo viên tư vấn, định hướng sâu sát hơn cho học sinh chọn nghề, chọn ngành và chọn trường phù hợp.
Bình luận (0)