Sáng 29-9, trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề "Cơ hội trúng tuyển bổ sung vào trường quốc tế". Rất nhiều băn khoăn của thí sinh về chọn ngành, chọn trường trước hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của các trường ĐH được các chuyên gia giải đáp.
Không nên "nhắm mắt" chọn ngành
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM, cho biết đến thời điểm này có khoảng 100 trường thông báo xét tuyển bổ sung. Ở đợt xét tuyển này, thí sinh không còn nhiều cơ hội lựa chọn như đợt xét tuyển vừa qua và thời gian tuyển bổ sung do từng trường quy định nên cần tìm hiểu cụ thể để tránh vuột mất cơ hội.
Các chuyên gia và đại diện các trường ĐH, CĐ tham dự buổi giao lưu tại Báo Người Lao Động .Ảnh: TẤN THẠNH
ThS Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng Phòng Đào tạo đại học Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM, cho biết trường đang tuyển bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu, trong đó 95 chỉ tiêu cho 6 ngành chương trình đại trà và 935 chỉ tiêu cho 25 chương trình liên kết đào tạo (2+2, 3+1, 4+0…) với nước ngoài do đối tác nước ngoài cấp bằng. "Trường ĐH Quốc tế xét tuyển bổ sung là vì chỉ tiêu còn thiếu. Vì vậy, thí sinh thích ngành nghề nào của trường (đủ điểm nộp hồ sơ) thì hãy mạnh dạn đăng ký thay vì đắn đo mà vuột mất cơ hội xét tuyển" - ThS Tú khuyên.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) đang xét tuyển bổ sung với 400 chỉ tiêu, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 10-10. ThS Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh của trường, cho biết ngay từ thời điểm này có nhiều em xác nhận nhập học nhưng không nộp hồ sơ nhập học vì cảm thấy ngành học không phù hợp. Các em lưu ý, mỗi trường sẽ có mốc thời gian xét tuyển bổ sung khác nhau. Trường xét tuyển theo 2 phương thức: kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ lớp 12. Trong các ngành tuyển bổ sung, quản trị kinh doanh có 100 chỉ tiêu, còn lại các ngành sẽ dao động từ 30-50 chỉ tiêu. Đặc biệt, khoa học máy tính có 4 chuyên ngành, đây là khối ngành đặc thù có học bổng, các em có điểm thi tốt nghiệp THPT 25 điểm trở lên (không cộng điểm ưu tiên khu vực) sẽ hưởng học bổng 100%.
Tại chương trình, đại diện các trường lưu ý điều quan trọng không phải xét tuyển đợt nào mà là phải chọn đúng ngành học, đúng sở trường làm điều kiện tiên quyết. Mục tiêu là chọn ngành chứ không phải chọn trường, vậy nên cần lựa chọn tỉnh táo. Việc quyết định lúc này rất quan trọng vì thí sinh không còn nhiều thời gian.
Nếu không chọn ĐH thì CĐ cũng nhiều lợi thế
Không ít thí sinh khi gửi câu hỏi giao lưu đều băn khoăn về cơ hội việc làm nếu học cao đẳng. Nội dung này được các khách mời trả lời thỏa đáng.
ThS Châu Văn Thưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nova (Nova College), cho biết trường sở hữu những nhóm ngành đào tạo về dịch vụ và công nghệ, có định hướng sẽ trở thành trường đào tạo cao đẳng bậc nhất Việt Nam về khối ngành dịch vụ, uy tín, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Nova xây dựng theo chuẩn quốc tế, tổ chức giảng dạy theo lớp nhỏ. Trong chương trình của trường, nhiều ngành tích hợp chương trình của trường đối tác nước ngoài. Cụ thể, 6 môn học được chuyển giao gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy phản biện, quản lý rủi ro kinh doanh, quản lý ngân sách và kế hoạch tài chính, triển khai dự án và triển khai chiến lược truyền thông xã hội.
Các môn này sẽ được lồng ghép vào chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Nova dưới sự giám sát chất lượng giảng dạy và công nhận kết quả từ University Preparation College. Việc làm đối với sinh viên Trường Cao đẳng Nova là đặc quyền của các em vì trường thuộc Nova Group với nhiều doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng hằng năm rất cao.
TS Lê Thị Thanh Mai cho rằng sinh viên học cao đẳng không lo bị thất thế khi tham gia thị trường lao động mà ngược lại có những lợi thế nhất định. Cụ thể, thời gian đào tạo cao đẳng ngắn giúp sinh viên sau khi ra trường tham gia thị trường lao động sớm, thời gian thực hành 70% giúp sinh viên tự tin ở tay nghề. Điều quan trọng là thí sinh muốn làm việc gì trong tương lai chứ không phải là học ở trình độ nào. Thí sinh cần mạnh dạn chọn ngành, chọn trường, chọn trình độ đào tạo phù hợp với bản thân để lập nghiệp sớm.
Lưu ý khi chọn các chương trình liên kết quốc tế
TS Lê Thị Thanh Mai chia sẻ khi chọn học chương trình quốc tế, trước tiên thí sinh cần xem xét sự phù hợp về ngành nghề, chí ít phải xác định hoặc trả lời rõ vì sao chọn học ngành đó. Với các trường quốc tế, câu hỏi này rất quan trọng.
Tính tự lập của chương trình quốc tế rất cao nên khả năng lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch học tập các em phải xem có đạt hay không.
Tiếng Anh và các kỹ năng mềm khác như giao tiếp, thuyết trình cũng yêu cầu rất cao...
ThS Cao Quảng Tư cũng chia sẻ từ trước đến nay, phụ huynh nghe đến trường ĐH quốc tế thì cứ nghĩ phải đóng hàng trăm triệu đồng mới có thể học được, vì vậy sợ cho con vào trường quốc tế. Nhưng thực tế không phải vậy, học ĐH là lộ trình 4 năm, học phí phải tính toán trong 4 năm để không bị đứt đoạn giữa đường. Bằng quốc tế thì học phí sẽ cao vì giảng viên phải đạt chất lượng quốc tế; khi ra trường, đi làm, các em sẽ nhận được mức lương cao.
Các đơn vị đồng hành "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022:
- Công ty CP Phân bón Bình Điền.
- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup).
- Trường Cao đẳng Nova (Nova College).
- Tập đoàn Vingroup.
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM.
- Công ty CP Uniben.
Bình luận (0)