Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (ĐH) quy định đối với trường ĐH đang hoạt động nhưng chưa thực hiện quy định của pháp luật về thành lập hội đồng trường, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (15-2-2020), tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thành lập hội đồng trường. Tuy nhiên, đến nay nhiều trường vẫn chưa thành lập, kiện toàn hội đồng trường. Vì sao?
Thận trọng
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đến nay vẫn chưa có hội đồng trường. PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết thời điểm này trường đang làm thủ tục, thông qua danh sách các thành viên để thành lập hội đồng trường. Dự kiến, cuối tháng 1-2021 sẽ hoàn thành danh sách các thành viên hội đồng trường để trình cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương công nhận.
Lý giải về việc chậm thành lập hội đồng trường, ông Hoàn cho rằng việc thành lập hội đồng trường cần phải thận trọng và tuân thủ chặt chẽ các quy định bởi đây là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Hội đồng trường phải là tập hợp những thành viên đủ đức, tài, tầm và tâm để thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Hội đồng trường Trường ĐH Tài chính - Marketing tại phiên họp tháng 11-2019. Hiện trường đang kiện toàn, thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025
Một trường khác thuộc Bộ Công Thương là Trường ĐH Công nghiệp TP HCM đến nay cũng chưa có hội đồng trường. TS Phan Hồng Hải, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã tiến hành các bước bầu hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường và đã gửi tới cơ quan chủ quản đề nghị công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, trường này đang kiện toàn lại hội đồng trường theo Luật số 34 và Nghị định 99. TS Hoàng Đức Long, hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường đang từng bước thành lập hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường. Hiện tại, trường cơ bản đã xong báo cáo nhân sự trình cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Tài chính thông qua, sau đó tiến hành bầu chủ tịch hội đồng trường. Theo kế hoạch, hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 được thành lập trước khi kết thúc năm học 2020-2021.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đến ngày 27-11 vẫn còn 50% cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường theo luật mới.
Phải thành lập ngay trong năm học 2020-2021
Một trong những nhiệm vụ trong năm 2020 mà ngành giáo dục tập trung thực hiện là đẩy mạnh việc tự chủ ĐH, để phát huy tiềm lực, nâng cao chất lượng trong cả hệ thống giáo dục ĐH. Trong đó, điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 (Luật số 34) và Nghị định 99.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục ĐH, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ ĐH. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý theo quy định, một trong những điều kiện để các trường thực hiện quyền tự chủ đó là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường.
Trước thực tế còn 50% cơ sở ĐH chưa bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện tự chủ (chưa thành lập hội đồng trường), mới đây Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục ĐH phải khẩn trương thực hiện các bước thành lập và kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành công nhận trước khi kết thúc năm học 2020-2021.
Hiện thực hóa tự chủ đại học
Phát biểu tại lễ công bố quyết định công nhận hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mới đây, PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật 34) và Nghị định 99 trao quyền tự chủ rất lớn cho các cơ sở giáo dục ĐH. Nhưng để thực hiện được các quyền tự chủ này, nhà trường phải sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ. Đây là khung pháp lý rất quan trọng trong việc cụ thể hóa các điều của Luật 34 và Nghị định 99 để vận hành hoạt động của nhà trường.
Bình luận (0)