Chính phủ đánh giá công tác bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên một số địa phương còn nhiều hạn chế, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng trường lớp quá tải vẫn còn khá phổ biến và tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chậm được giải quyết…
Để tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn; bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo phù hợp đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền. Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.
Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định. Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.
Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các cơ sở giáo dục tự chủ và tự chủ một phần nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.
Trước tình trạng thiếu giáo viên ở hầu khắp các địa phương, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hằng năm, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GD-ĐT về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp hiệu quả; tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục. Ưu tiên những nguồn lực dành cho phát triển GD-ĐT, thực hiện đúng quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Bình luận (0)