Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng nhiều và gây thiệt hại nghiêm trọng, nhu cầu về đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin tại các đơn vị càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội dành cho các bạn trẻ yêu thích ngành công nghệ thông tin (CNTT) và muốn trở thành một “chiến binh” an ninh mạng trong thế giới phẳng.
Nhu cầu tăng cao
Thời gian qua, hàng loạt các cuộc xâm nhập, tấn công mạng có tổ chức nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, gây ra những tổn thất nặng nề. Đáng nói là xu thế này ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và rất khó lường. Riêng tại Việt Nam, đã xảy ra rất nhiều vụ tấn công mạng nghiêm trọng trong các năm gần đây và dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2016.
Trong bối cảnh đó, nhân lực về an toàn thông tin là một yếu tố then chốt, được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực thế cho thấy lực lượng nhân sự chuyên trách an ninh mạng tại các đơn vị hiện nay còn mỏng và yếu. Bên cạnh đó, phương thức lẫn tư duy phòng thủ còn bị động trong khi hình thái tấn công mạng đã thay đổi và được cải tiến liên tục. Có thể thấy xã hội hiện đang rất khát một đội ngũ chuyên gia về an ninh mạng tinh nhuệ, giỏi kỹ năng và chuyên môn để đối phó với tình hình tấn công mạng đang ngày càng tăng.
Theo khảo sát trong Tập đoàn FPT và các đơn vị, tổ chức về CNTT Việt Nam nói chung, an toàn thông tin đang là một trong những ngành khan hiếm nhân lực chất lượng cao, dự báo khan hiếm nhân lực sẽ còn kéo dài và tăng cao trong nhiều năm tới.
Cơ hội rộng mở
An ninh mạng hay an toàn thông tin là ngành học liên quan đến cả phần cứng, phần mềm, mạng, nguyên tắc tổ chức thông tin cũng như yếu tố con người. Ngành này yêu cầu sinh viên có tư duy toán học và tư duy hệ thống tốt vì công việc của chuyên gia an toàn thông tin là làm việc trong môi trường số hóa, nhiều công việc liên quan đến việc giải mã và xây dựng các thuật toán phòng thủ hoặc tấn công trong môi trường số.
Ngành này hiện đang được số ít các trường tổ chức đào tạo như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP HCM), Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an), Trường ĐH FPT. Ở trình độ CĐ có Trường CĐ Nghề CNTT iSpace.
Theo ThS Lê Bình Trung, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT, sinh viên tốt nghiệp ngành an toàn thông tin có thể làm chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng; chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu; chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin bảo đảm an toàn; chuyên viên kiểm tra đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống; chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin; chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng bảo đảm an toàn thông tin; chuyên gia phân tích mã độc và ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính.
Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến bảo mật
Tại Việt Nam, những năm gần đây, mức độ quan tâm của các doanh nghiệp về tính bảo mật và an toàn thông tin ngày càng tăng. Theo Sách trắng CNTT - truyền thông Việt Nam 2014, trong thống kê trên tổng số 600 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn quốc có 73,8% đơn vị có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách về an toàn thông tin, 37,7% có kế hoạch đào tạo chuyên gia an toàn thông tin.
Bình luận (0)