Gặp thầy cô giáo quên hoặc chậm chấm trả bài cho học sinh (HS), đến thời điểm này mới “vắt chân lên cổ” chấm một lúc mấy chục xấp bài kiểm tra, từ bài 15 phút đến bài 1, 2 tiết. Thậm chí có giáo viên không chấm bài, không hề phát bài kiểm tra cho HS xem nhưng trong sổ điểm cá nhân và sổ điểm lớn vẫn đầy đủ các con điểm.
Căn bệnh lười chấm trả bài, dồn bài kiểm tra về cuối học kỳ mới chấm, trả bài cho HS… là hiện tượng không hiếm trong đội ngũ nhà giáo hiện nay. Quy định, quy trình kiểm tra, chấm, trả bài đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa trong Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT thế nhưng một số thầy cô làm việc rất tùy tiện, nhất là diện HS phải kiểm tra lại (do đau ốm, đi thi HS giỏi…).
Để khắc phục tình trạng này không khó. Tất cả thuộc về vai trò, chức năng quản lý, đôn đốc, kiểm tra của lãnh đạo nhà trường. Có quy chế làm việc, thi đua rõ ràng, thỉnh thoảng nhắc nhở, kiểm tra việc kiểm tra, trả, chấm bài của giáo viên; nếu thầy cô giáo nào chậm tiến độ, không trả bài cho học sinh thì căn cứ theo quy định, quy chế mà phê bình, kiểm điểm.
Cuối năm học, giáo viên dạy bộ môn vất vả một phần, giáo viên kiêm công tác chủ nhiệm ở phổ thông vất vả gấp đôi, gấp ba. Nhà trường thường lựa chọn, gửi gắm niềm tin vào những thầy cô giáo vừa có chuyên môn, kiến thức tốt vừa nhiệt tình, hiểu tâm lý HS để làm chủ nhiệm các khối lớp. Muốn đánh giá, xếp loại hạnh kiểm HS cuối năm học một cách chính xác, công bằng, phù hợp, trước hết cần lắm cái công tâm, khách quan ở mỗi giáo viên chủ nhiệm. Mặt khác, thầy cô giáo có một quá trình theo dõi, uốn nắn HS, nhất là HS cá biệt… đầy đủ, phối hợp tốt với các giáo viên, bộ phận trong nhà trường, phụ huynh và kể cả đội ngũ cán sự, tập thể lớp.
Khi làm giáo viên chủ nhiệm, tôi đã từng vào cuối kỳ, cuối năm học cho mỗi HS viết một bản kiểm điểm cá nhân, trình bày ưu, khuyến điểm, tự xếp loại hạnh kiểm; sau đó tổ chức họp riêng lấy ý kiến, nhận xét của các cán sự của tổ, lớp về các thành viên ở tổ, lớp. Tiếp đến tổ chức họp toàn thể lớp để tiếp tục nghe các em nhận xét, bình bầu về hạnh kiểm, về quá trình tiến bộ của các bạn… Trên nhiều cơ sở ấy, cùng với việc theo dõi của mình, tôi mới chốt lại hạnh kiểm của từng em và công khai trước tất cả HS, phụ huynh.
Những lời phê trong học bạ của các thầy, cô giáo chủ nhiệm cũng rất quan trọng. Nó theo mãi cuộc sống về sau của mỗi HS. Có giáo viên suy nghĩ đơn giản nên từng cẩu thả, thiếu thận trọng trong bút phê của mình… bị phụ huynh, HS phản ứng. Vì vậy, mỗi khi đặt bút phê học bạ, thầy cô nên dành thời gian cân nhắc, lựa chọn thật kỹ để nhận xét ngắn gọn song có sức khái quát, đầy đủ về khả năng, điểm nổi bật, mức độ tiến bộ của mỗi em.
Bình luận (0)