Những phòng thi và giám thị cũng đang trân mình hứng lấy tràng pháo tay và tiếng la ó từ chính học trò của mình.
Mùa thi – mùa của những gương mặt bơ phờ vì thức đêm thức hôm ôn luyện bài vở. Mùa thi cũng ghi dấu sự nhốn nháo quanh cánh cửa dán số báo danh. Bọn trẻ chờ, đợi, ngóng, trông bóng dáng, gương mặt những người thầy thân quen hôm nay làm vai trò giám thị phòng thi.
Dù mến hay không, thích hay không thì bọn trẻ ngày xưa cũng biết giấu cảm xúc của mình vào trong để đón nhận bất cứ ai, bất kỳ người giám thị nào. Giờ sao khác quá! Nơi dãy hành lang ấy, những tràng vỗ tay bôm bốp vang lên mỗi khi giám thị "ưng ý" bước chậm chân, rẽ ngoặc vội vào cánh cửa phòng thi. Và cả tiếng la ó ngầm ngụ ý "Ơn giời!", "Thôi rồi…", "Tại sao?" khi người thầy "ác cảm" chẳng may dừng bước trước cửa phòng.
Thầy "hiền" và thầy "dữ", thầy "dễ dãi" và thầy "khe khắt" cũng chính là ông thầy "ưng ý" và "ác cảm" trong ánh nhìn của học sinh mỗi mùa thi. Cùng gánh trên vai nhiệm vụ coi thi giống y chang nhau nhưng cách ứng xử của mỗi người thầy trong phòng thi quyết định việc học sinh xếp thầy vào "nhóm" nào và quyết định "trao tặng" tràng pháo tay hoặc là tiếng la ó.
Giám thị nào khó đăm đăm yêu cầu trò ngồi đúng vị trí, nhắc nhở trò mỗi lúc quay trái phải, nghiêm khắc nói không với việc hỏi bài và bắt tài liệu giỏi là y như rằng "mất điểm" trầm trọng trong mắt học sinh.
Ngược lại, hễ giám thị nào xuề xòa trong coi thi, thấy trò loay hoay hỏi bài lại không nhắc nhở, mắt nhắm mắt mở cho trò xem bài lẫn nhau là nhanh chóng được trò "cộng điểm" và ưu ái gọi "thầy ơi…", "cô ơi…" ngọt xớt.
Đúng quy chế làm mất lòng trò ư? Sai quy chế nhưng được lòng trò ư? Buồn vô cùng cho quan điểm của sự học ngày nay đang dần đổi thay trong suy nghĩ của bọn trẻ khi đinh ninh rằng người thầy nghiêm khắc trong dạy học, thi cử là người thầy "ác cảm"!
Và đáng buồn hơn nữa khi một số người thầy mẫu mực đang dần bị "đồng hóa" vào nhóm "ưng ý" để rồi làm trái quy định, làm dối lòng mình trong kiểm tra, thi cử!
Để đối phó với những con số chỉ tiêu cao ngất ngưởng, việc xin điểm, nâng điểm, "gieo sạ" điểm số trong nhà trường đã được đề cập khá nhiều. Và bao giờ cũng vậy, coi thi dễ dãi tí xíu, nới lỏng quy định trong phòng thi chút xíu thì tự nhiên điểm số sẽ được nâng cao. Và như sóng đẩy thuyền, căn bệnh thành tích cứ thế âm ỉ.
Nếu chúng ta ôn bài kĩ, nắm kiến thức chắc chắn thì khi bước vào phòng thi, dù đối diện với người giám thị khe khắt hay dễ dãi cũng sẽ chẳng vướng bận, băn khoăn điều gì. Điều dĩ nhiên như chân lý ấy lại đang bị một bộ phận không nhỏ bọn trẻ trung học bỏ qua, gạt phăng đi.
Để rồi chính học trò đang đúc kết những "chân lý" khác, nào là "điểm số cao hay thấp phụ thuộc vào ông thầy giám thị dễ hay khó", nào là "sự thành công của bạn hôm nay phụ thuộc vào độ thông minh, sáng dạ của số báo danh kế bên"…
Mọi thứ đều có cái giá của nó. Ông thầy khe khắt sẽ tạo ra một nề nếp thi cử nghiêm túc, sự học trung thực và đó chính là tấm lá chắn hữu hiệu, cần thiết để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh thành tích. Ông thầy dễ dãi chỉ có thể biến trò thành "cây tầm gửi", lười học, biếng học.
Điểm số và thành tích có được đều nhờ phần lớn vào việc nhìn bài bạn và hỏi bài bạn, thử hỏi chất lượng giáo dục trong tương lai sẽ đi về đâu nếu những tràng pháo tay và tiếng la ó cứ thế vang lên mỗi mùa thi???
Bình luận (0)