Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh (TS) năm 2017", với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Sun Group, Báo Người Lao Động phối hợp cùng các chuyên gia tổ chức talk show: "Nhìn lại điểm chuẩn và cách xét tuyển". Nhiều chuyên gia từ các trường ĐH cho biết đến nay, nhiều trường đã tuyển gần đủ 100% chỉ tiêu tuyển sinh.
Vì sao điểm chuẩn "đụng trần"?
Cho đến nay, tất cả các trường đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Hầu hết các trường đều có điểm chuẩn cao hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, khó hình dung được là điểm chuẩn trúng tuyển một số ngành ở nhiều trường "đụng trần" với mức 29-30, thậm chí có ngành điểm chuẩn lên tới 30,5.
Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM - nhìn chung, kết quả trúng tuyển năm nay rất phấn khởi. Hơn 50% trường ĐH (hơn 170 trường) tuyển đủ chỉ tiêu nếu TS đến học đầy đủ. Đây là kết quả khả quan nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện còn 58 trường không tuyển đủ chỉ tiêu vì số lượng TS đăng ký thấp. Đây cũng là điều dự đoán được từ trước, dựa vào lượng TS đăng ký.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, năm nay, phổ điểm ở phân khúc điểm cao nhiều hơn năm trước. Cả nước có hơn 4.000 điểm 10, kéo theo điểm chuẩn các trường đều tăng. Tuy nhiên, điểm chuẩn cũng chỉ tăng ở các ngành, trường hấp dẫn TS như khối các trường công an, quân đội, y dược. Phổ điểm của các ngành, trường ở các khối ngành khác dao động từ 18-25, tuy cao hơn năm trước nhưng khá đều. "Do cách đăng ký như vậy, điểm chuẩn có cải thiện nhưng không đồng đều lắm. Có trường điểm cao nhưng cũng có trường chỉ cao hơn điểm sàn. Đánh giá chung là có cải thiện điểm chuẩn nhưng không nhiều" - ông Nghĩa nhận xét.
Các chuyên gia trao đổi trong talk show ngày 3-8 Ảnh: Tấn Thạnh
Hiện tượng TS điểm cao mà vẫn rớt có thể gây sốc nhưng cũng nằm trong dự đoán từ trước do phổ điểm năm nay cao hơn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng trường hợp TS rớt có thể do chỉ đăng ký 1 nguyện vọng (NV). Bởi lẽ, quy chế tuyển sinh năm 2017 cho TS đăng ký nhiều NV, không trúng tuyển NV 1 thì tiếp tục xét các NV tiếp theo. Nếu nói rớt thì chỉ là rớt NV1 - NV yêu thích chứ không phải rớt hẳn. Nên nhớ, các NV này là do chính TS đăng ký.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng hiện tượng điểm ưu tiên trong tuyển sinh cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, ngày càng có nhiều trường hợp TS điểm cao nhưng thua thiệt so với TS điểm thấp vì có thêm điểm ưu tiên.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nên chăng điều chỉnh phổ điểm ưu tiên - ưu tiên về khu vực nên chỉ dành cho các TS khó khăn tại nơi các trường ở khu vực đó có xét tuyển sẽ công bằng với các TS hơn so với tình hình cạnh tranh khốc liệt như năm nay.
Trường công còn ít chỉ tiêu bổ sung
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết khi định ra quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2017, một trong những tiêu chí là phải chống ảo. Điều này xuất phát từ năm 2016 do có nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu chỉ vì TS ảo.
Ông Nghĩa cho rằng hiện nay, các trường có nhiều nguồn tuyển, như từ kết quả kỳ thi, từ học bạ, chưa kể một số trường có phương thức tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, do phần lớn các trường xét từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mà quy chế của kỳ thi cho phép TS được đăng ký nhiều NV nhưng chỉ được trúng tuyển 1 NV nên chắc chắn TS ảo sẽ giảm so với năm trước.
Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, năm 2016, dù trường đã tính toán, phân tích, gọi TS nhập học khá nhiều so với chỉ tiêu nhưng cuối cùng vẫn thiếu, dù không nhiều nhưng vẫn phải gọi bổ sung. Quy chế năm nay có khá nhiều ưu việt nên khả năng gọi bổ sung của các trường khá ít. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, số lượng hồ sơ nhận trực tiếp trong 2 ngày đã đạt 800/2.600 chỉ tiêu. Có thể trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1.
170 trường tuyển đạt và vượt chỉ tiêu
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1-8, trong đợt 1, đã có 170 trường tuyển đạt và vượt 100% chỉ tiêu. Số này chiếm 53% tổng số trường xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Số trường tuyển sinh đạt từ 70% đến dưới 100% chỉ tiêu là 64, chiếm 20%. Có 234 trường tuyển đợt 1 đạt 70% chỉ tiêu. Số trường tuyển sinh đạt 50% - 70% chỉ tiêu là 30, chiếm 9%. Đặc biệt, có 58 trường mới chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu.
Tài trợ chính
Tài trợ phụ
Bình luận (0)