“Cho dù trình độ kinh tế phát triển đến đâu thì giáo dục vẫn tập trung vào mẫu số chung là cải cách tài chính và quản trị. Đây là bài toán phức tạp, phải có nghiên cứu đầy đủ và bài bản” - GS Phạm Phụ phát biểu tại cuộc tọa đàm “Vấn đề tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH” do Văn phòng Trung ương Đảng và Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức mới đây.
Không đủ trang trải
Lãnh đạo nhiều trường ĐH phản ánh rằng nguồn tài chính Nhà nước cấp không đủ cho hoạt động đào tạo của các trường nhưng ngân sách Nhà nước thì rất khó khăn, lấy nguồn đâu để tăng? Trong khi đó, người sử dụng lao động lại cho rằng chất lượng đào tạo ĐH rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu. Đây là bài toán khó giải nếu không có cải cách trong vấn đề tài chính.
PGS-TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng các trường công lập tự chủ tài chính còn khó khăn hơn nhiều vì không được cấp vốn ngân sách, học phí vẫn là nguồn thu chiếm tỉ trọng lớn và là nguồn chủ yếu trang trải chi phí đào tạo nhưng học phí không thể thu vượt mức quy định.
“Học phí của các trường ĐH công lập hiện nay thấp hơn của Trường ĐH RMIT Việt Nam khoảng 20 lần, nếu so sánh với các trường nước ngoài thì chênh lệch quá đáng kể. Liệu có là phi lý khi đòi hỏi chất lượng đào tạo ngang bằng với mức chi phí ít hơn 20 lần?” - ông Lâm dẫn chứng.
Cùng quan điểm, GS Phạm Phụ cho rằng các trường ĐH hiện nay phải cạnh tranh với nhiều trường ĐH nước ngoài và cả nguồn nhân lực của thế giới. Trong khi họ tốn 10 đồng để đào tạo 1 sinh viên mà mình tốn 1 đồng thì không hợp lý. Do đó, phải tính toán lại chi phí bình quân để đào tạo một sinh viên. “Chi phí bình quân cho mỗi sinh viên hiện nay chừng 500 USD/năm là quá thấp. Theo tôi, con số này phải tăng gấp đôi” - GS Phạm Phụ nói và nhấn mạnh rằng để tăng chi phí thì phải tính đến bài toán chia sẻ và người học đóng góp là chính.
Học phí tăng, chất lượng có tăng?
PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nói rằng trường học cung cấp dịch vụ, do vậy muốn có dịch vụ giáo dục tốt thì phải có tiền nhưng hiện nền kinh tế chưa đủ gánh cho giáo dục nên dẫn đến nhiều hệ quả.
Để người nghèo có đủ tiền đóng học phí là điều rất khó khăn. Theo GS Phạm Phụ, kinh nghiệm của thế giới là phát triển quỹ cho sinh viên vay vốn. “Việt Nam đã triển khai cho sinh viên vay vốn nhưng chủ yếu cho người nghèo và ở mức thấp đến nỗi không thể giải quyết được tiền học phí và ăn ở. Do vậy, quỹ cho sinh viên vay vốn phải áp dụng rộng rãi không chỉ riêng cho người nghèo và ở mức lãi suất rất thấp. Nhà nước phải bao cấp chênh lệch lãi suất” - GS Phạm Phụ đề xuất.
GS Phạm Phụ lưu ý các trường cần phải công khai cách sử dụng hiệu quả nguồn tiền sinh viên và nguồn Nhà nước đầu tư.
Hầu hết sinh viên không muốn tăng học phí Kết quả khảo sát trên 500 sinh viên khối ngành kinh tế của 5 trường ĐH công lập tại TPHCM (ĐH Mở, ĐH Kinh tế, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp, ĐH Tôn Đức Thắng) cho thấy: Chỉ 20% sinh viên đồng tình với việc tăng học phí, 80% không muốn đóng học phí cao hơn. “Sự công khai trong chi tiêu tài chính ở các trường chưa thông đạt tới sinh viên.
Sinh viên nộp học phí mà không rõ số tiền đó được chi tiêu vào việc gì dẫn đến hiểu biết sai lệch và đánh giá chưa đúng” - ThS Bùi Thị Quỳnh Ngọc, giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM, tác giả nhóm nghiên cứu, nhận xét.
Còn theo PGS-TS Thái Bá Cần, người học phải đóng học phí để chia sẻ gánh nặng kinh tế nhưng vấn đề đặt ra là hiện nay người học không biết chất lượng đào tạo đến đâu; nhiều trường ĐH không được kiểm soát chất lượng. Đây là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. |
Bình luận (0)