. Phóng viên: Khâu yếu nhất là coi thi đã được bộ GD-ĐT thắt chặt, tuy nhiên vẫn còn nhiều thí sinh cố tình mang “phao” vào phòng thi. Bộ có chỉ đạo gì đặc biệt đối với lực lượng giám thị?
- Bà Trần Thị Hà: Chúng tôi đã chỉ đạo các trường phải lên phương án chuẩn bị và tập huấn cho lực lượng giám thị, hạn chế tối đa số lượng sinh viên coi thi. Yêu cầu của bộ đối với công tác coi thi năm nay là phải khắc phục các nhược điểm như giám thị không nắm vững quy chế, lơ là trong lúc làm nhiệm vụ, các trường phải tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kỳ thi nghiêm túc.
Đặc biệt, bộ lưu ý các trường cần tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng thi hộ, thi kèm. Trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các trường ĐH, CĐ vừa rồi, chúng tôi cũng khuyến nghị các trường khi thuê địa điểm thi, giám thị coi thi của các trường THPT nên ký hợp đồng với các sở GD-ĐT thay vì trực tiếp với trường để tăng cường trách nhiệm của giám thị.
Ngoài các biện pháp chống gian lận thi cử thông thường, chương trình máy tính tuyển sinh của bộ đã tích hợp chức năng chống gian lận trong tuyển sinh như thi hộ, thi kèm, chống dùng giấy chứng nhận kết quả giả. Khi nhận hồ sơ đăng ký dự thi, máy tính sẽ tự động xáo trộn những thí sinh có họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán quá giống nhau để đánh số báo danh không gần nhau.
Cán bộ coi thi Trường ĐH Kiến trúc TPHCM đối chiếu ảnh trên phiếu báo danh và danh sách ảnh chân dung thí sinh trong kỳ thi ĐH năm 2008. Ảnh: N. HỮU
Sau khi có kết quả thi, trung tâm công nghệ thông tin của bộ cũng sẽ kiểm tra lại những đối tượng này, thậm chí lật lại cả hồ sơ thi tốt nghiệp THPT nếu thấy cần thiết.
. Bộ GD-ĐT đã chủ động đối phó các thủ đoạn gian lận mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như thế nào, thưa bà?
- Tôi cho rằng gian lận vẫn theo những phương thức “truyền thống” là qua điện thoại di động, thi hộ, thi kèm... Tuy nhiên, năm nay đề thi được thiết kế theo hướng có nhiều câu để bao quát chương trình, lại nhiều mã đề nên gian lận sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là hình thức gian lận bằng điện thoại di động.
Để tuyệt đối tránh gian lận, từ kỳ thi năm trước, bộ đã đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an phối hợp kiểm soát tại các khu vực diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH. Tại các khu vực thi, tất cả số máy trong chế độ đàm thoại có thời gian trên 30 phút đều sẽ bị lưu ý, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, sẽ lập tức bị điều tra.
. Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi Bộ Công an để phối hợp chỉ đạo, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý mọi hiện tượng gian lận, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về việc phối hợp này?
- Sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan rất chặt chẽ. Bộ Công an đã yêu cầu công an các địa phương phải bố trí cảnh sát bảo vệ vòng ngoài khu vực làm đề, cử cán bộ an ninh trực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực làm đề thi, bố trí lực lượng và phương tiện thiết bị kỹ thuật để kiểm tra vòng ngoài của khu vực làm đề thi, có biện pháp giám sát bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình làm đề... Lực lượng an ninh cũng giám sát chặt chẽ công tác vận chuyển, sao in đề thi trực tiếp tại các cơ sở in sao đề thi, có biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn phát hiện và xử lý mọi hiện tượng gian lận, tiêu cực.
Báo Người Lao Động giải đề thi ĐH Đợt 1 tuyển sinh ĐH năm 2009 diễn ra trong hai ngày 4 và 5-7. Ngày 4-7, thí sinh thi môn toán (sáng), lý (chiều). Ngày 5-7, thi môn hóa (sáng). Dịp này, Báo Người Lao Động phối hợp với giảng viên các trường ĐH thực hiện giải đề thi ĐH. Cụ thể, báo ra ngày 5-7 sẽ đăng bài giải môn toán, lý; ngày 6-7: môn hóa. Ngay sau mỗi buổi thi, gợi ý bài giải sẽ được cập nhật tại Báo Người Lao Động điện tử: www.nld.com.vn. Mời bạn đọc đón xem. |
Bình luận (0)