Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, trong năm học 2012-2013, tổng số các trường mầm non (MN) ngoài công lập là 411 trường. Trong đó, số nhóm, lớp MN tư thục có phép là 1.243, tăng 142 nhóm lớp so với năm trước và chưa tính đến các cơ sở không phép. Trong khi đó, việc quản lý hoạt động của các trường, nhóm, lớp MN tư thục khá lỏng lẻo khiến cho chất lượng dạy và chăm sóc trẻ không tốt. Vụ bé Trần Nhật Hương, 1 tuổi, tử vong tại Trường MN Thiên Thần Nhỏ (quận Long Biên, TP Hà Nội) hôm 29-8 tiếp tục dấy lên sự lo ngại về an toàn cho trẻ tại các cơ sở MN ngoài công lập.
Bữa ăn teo tóp
Trong vai một phụ huynh muốn tìm chỗ gửi con, chúng tôi tìm đến nhiều trường MN ngoài công lập tại một số quận ở TP HCM và tận mắt chứng kiến bữa ăn của trẻ bị teo tóp, điều kiện chăm sóc không bảo đảm trong khi mức học phí mà các trường thu lại khá cao.
Tại Trường MN Ban Mai (quận 7), mức học phí mà trường này đưa ra là 1.930.000 đồng/tháng; tiền cơ sở vật chất đầu năm, đồ dùng, sách vở là 1.080.000 đồng. Dẫn chúng tôi đi xem trường, một GV tại đây cho biết tại cơ sở chính thì trường có sân chơi nhưng ở cơ sở 2 (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) thì không có.
Khó tiếp cận
Tại quận Tân Phú, một quận có nhiều dân nhập cư, các nhóm trẻ tư thục nở rộ. Bà Chung Bích Phượng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết: “Sở dĩ học phí tại các nhóm trẻ cao nhưng phụ huynh vẫn thiết tha gửi con vì gần nhà và tiện giờ giấc đưa đón”.
Đại diện Phòng GD-ĐT quận 7 nói rằng nhiều nhóm lớp tại quận không có phép nhưng phòng không thể nào kiểm soát. Có lúc, phòng đi kiểm tra mà phải xin giấy giới thiệu của quận mới tiếp cận được các nhóm trẻ. Có những năm, quận 7 có hơn 20 điểm MN không phép nhưng chỉ giải quyết được 50% rồi sau đó vẫn hoạt động trở lại.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, phụ trách giáo dục MN, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết cứ 2 tháng một lần, hiệu trưởng trường công lập phải hướng dẫn, tham mưu cho chủ các nhóm lớp MN về chuyên môn. Tuy nhiên, do điều kiện các nhóm trẻ khó khăn nên khó đòi hỏi hoàn thành nhiều tiêu chí do ngành quy định. Ngành GD-ĐT cũng kiểm tra nhưng chỉ xem có tổ chức cho trẻ hoạt động không. Trong khi đó, nhiều nhóm trẻ còn thiếu GV hoặc GV không có trình độ cũng chỉ bị xử phạt ở mức độ hành chính. Xử phạt như vậy đối với các trường công lập thì nặng nhưng với trường tư thục và nhóm trẻ thì chẳng nhằm nhò gì, họ đóng phạt rồi hoạt động tiếp. Ngành GD-ĐT cũng không nỡ đình chỉ lớp học vì trong điều kiện thiếu trường, lớp sẽ gây thiệt thòi cho trẻ và phụ huynh.
Xử lý không kiên quyết Trong cuộc họp giao ban trực tuyến ngành giáo dục MN của Vụ Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT vào cuối tháng 8 vừa qua, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT thừa nhận việc quản lý các trường MN ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn. Đại diện Sở GD-ĐT TP Hà Nội cho biết Hà Nội có hơn 14.000 nhóm lớp MN tư thục, trong đó có nhiều cơ sở không có giấy phép nằm xen kẽ trong các khu dân cư nhưng chính quyền phường, xã lại chưa kiên quyết xử lý đình chỉ hoạt động. |
Bình luận (0)