Sáng 7-7, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức khai mạc hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng khoảng 300 đại biểu là các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý khoa học và đại diện nhiều tập đoàn kinh tế quốc tế đã tham dự hội nghị.
Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, chỉ có khoa học cơ bản mới đưa đến những cuộc cách mạng cho đời sống xã hội, cho con người. Không thể nói rằng những nước phát triển mới phát triển về khoa học cơ bản mà bất cứ đất nước nào cũng đều có cơ hội này. Với Việt Nam thì càng cần khoa học cơ bản. Nếu lạm dụng khoa học ứng dụng thì chúng ta thua xa bởi các nước phát triển đã có kinh nghiệm từ rất lâu. Nhưng với khoa học cơ bản thì khác, đó là nơi để có những phát kiến mới, tầm nhìn mới.
“Điều quan trọng là chúng ta tạo điều kiện gì cho sự phát triển của khoa học cơ bản. Tôi nghĩ rằng ở một đất nước có hơn 90 triệu dân như Việt Nam thì thế nào cũng sẽ có những người rất giỏi, vấn đề là làm sao cho họ cơ hội để phát triển. Đó cũng là lý do chúng tôi về Việt Nam, về Bình Định tổ chức các sự kiện gặp gỡ khoa học để tạo điều kiện cho những người trẻ có điều kiện tiếp xúc các nhà khoa học danh tiếng” - GS Vân phân tích.
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng từ rất lâu, nhà nước ta đã chú trọng đầu tư cho khoa học cơ bản. Nhờ đó, Việt Nam có đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản và nhiều kết quả nghiên cứu được công bố. Trên diễn đàn quốc tế, số công trình công bố giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tăng 15%- 20%, gấp đôi giai đoạn 2006-2010. Việc UNESCO công nhận Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II của Việt Nam vào tháng 11-2015 cũng khẳng định vị thế các ngành khoa học cơ bản của nước ta.
Trong khi đó, GS Ngô Bảo Châu nhận định trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước, khoa học cơ bản ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng về lâu dài, chúng ta cần thay đổi chính sách lương bổng cho các nhà khoa học và các giảng viên ĐH ở Việt Nam. Hiện tại, do mức lương chính thức không cao nên phần lớn các đề tài nghiên cứu được chuyển hóa thành lương. Tôi nghĩ rằng đây là tạm thời, không phải về lâu dài” - GS Châu nhìn nhận.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết có một số ý kiến nói rằng những nước như Việt Nam thì chỉ nên tập trung vào ứng dụng khoa học và công nghệ. Còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, là chuyện của các nước phát triển.
“Nhưng Chính phủ Việt Nam không nghĩ như vậy. Chúng tôi luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần phải được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng, là đầu tư cho tăng cường năng lực quốc gia” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
5 giáo sư đoạt giải Nobel tham dự
Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” là một trong những chuỗi hoạt động lớn nhất thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII diễn ra từ tháng 6 đến cuối năm 2016. Đây cũng là những hoạt động nhằm kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond do GS Trần Thanh Vân sáng lập.
Chương trình thu hút 5 giáo sư đoạt giải Nobel đến tham dự, gồm: GS David Gross - Nobel Vật lý 2004, GS Jerome Friedman - Nobel Vật lý 1990, GS Kurt Wüthrich - Nobel Hóa học 2002, GS Finn Kydland - Nobel Kinh tế 2004, GS Jean Jouzel - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu - Nobel Hòa bình 2007.
Tham dự chương trình còn có các nhà khoa học Việt Nam danh tiếng như: GS Ngô Bảo Châu - huy chương Field Toán học năm 2010, ĐH Chicago (Mỹ); GS Đàm Thanh Sơn - viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ĐH Chicago...
Bình luận (0)