TS Nguyễn Đức Nghĩa tư vấn cho thí sinh và phụ huynh sau khi công bố điểm sàn
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) là 15 cho tất cả các tổ hợp môn bậc ĐH và 12 điểm đối với bậc CĐ, cả nước có hơn 500.000 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH và 200.000 thí sinh không đủ điều kiện trên.
Điểm sàn đạt mức kỷ lục
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, đây là lần đầu tiên điểm sàn của bộ đạt mức 15 điểm trong khi mọi năm chỉ dao động từ 13-14 điểm. Đề thi năm nay tương đối dễ, để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.
Tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý thí sinh phải hiểu rõ 4 loại điểm. Thứ nhất là điểm thi. Thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy chứng nhận dùng để xét tuyển đợt 1 và 3 phiếu dành cho đợt xét tuyển bổ sung.
Thứ hai là điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn của Bộ GD-ĐT). Các thí sinh có điểm thấp hơn điểm sàn không được đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
Thứ ba là điểm thông báo xét tuyển (điểm nhận hồ sơ) do các trường công bố. Ví dụ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM lấy 18 điểm là mức điểm nạp hồ sơ cho tất cả các ngành.
Cuối cùng là điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). Căn cứ vào số lượng hồ sơ và điểm của thí sinh cộng với chỉ tiêu của trường, nhà trường sẽ công bố điểm chuẩn cuối cùng cho thí sinh.
Phụ huynh lo sợ điểm chuẩn “cao ngất”
Về điểm chuẩn của các trường, một phụ huynh tỏ ra băn khoăn khi có dư luận cho rằng điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn điểm chuẩn của các năm trước từ 1-3 điểm. Trả lời cho câu hỏi này, TS Nguyễn Đức Nghĩa nói: “Năm nay đúng là điểm cao thật. 13-14 điểm trước đây tương đương với 17-18 điểm năm nay”.
Theo ông Nghĩa điểm chuẩn của các trường năm nay có cao hơn các năm trước từ 1-3 điểm hay không, khó có thể nói trước được. Tuy nhiên, khả năng này rất có thể xảy ra. Đối với một ngành được đào tạo ở nhiều trường, mức điểm chuẩn của các trường cũng hoàn toàn khác nhau.
Thí sinh đặt câu hỏi tại buổi tư vấn
Một phụ huynh ở Biên Hòa đặt câu hỏi nếu thí sinh đăng ký nhiều trường cùng lúc, nhà trường sẽ giải quyết lượng thí sinh ảo thế nào? PGS-TS Đỗ Văn Xê - Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ - cho biết thí sinh nộp hồ sơ đợt 1 thì chỉ được sử dụng 1 phiếu điểm để xét vào một trường với 4 nguyện vọng. Trong vòng 20 ngày (1-8 đến 20-8) nếu thí sinh rút hồ sơ, tên của thí sinh sẽ bị xóa khỏi danh sách của trường. Do vậy, không có tình trạng thí sinh đậu nhiều trường cùng lúc, không có tình trạng thí sinh ảo ở các trường khác trong đợt xét tuyển đầu tiên. Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết thêm thí sinh nào đã trúng tuyển ở NV1 thì lập tức dữ liệu của thí sinh đó sẽ bị khóa. Các phần mềm hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp giảm lượng thí sinh ảo.
Giải đáp thắc mắc của một thí sinh về vấn đề các trường chỉ dành 25% chỉ tiêu để xét tuyển cho tổ hợp môn mới liệu có quá ít hay không, PGS-TS Đỗ Văn Xê khuyên các thí sinh nên cân nhắc việc nộp hồ sơ dựa trên tổng điểm của tổ hợp môn mới để tránh bị thiệt thòi.
Ngoài ra, đại diện một số trường ĐH ngoài công lập cũng tư vấn thêm về quy chế tuyển sinh những ngành học mới cũng như quy trình đào tạo.
Buổi tư vấn do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại số 3, Công trường Quốc Tế.
Bình luận (0)