Thông tin trên đã khiến nhiều bậc phụ huynh có con đang học THCS, đặc biệt là lớp 8 đứng ngồi không yên. Trong khi từ trước đến nay, tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội chỉ phải thi 2 môn là toán và văn.
Chị Nguyễn Xuân Hoa, một phụ huynh có con đang học lớp 8 tại Trường THCS- THPT Nguyễn Tất Thành cho hay chị thực sự cảm thấy hoang mang khi đọc được thông tin này. "Ở Hà Nội kiếm 1 suất vào lớp 10 công lập còn khốc liệt gấp mấy lần thi ĐH. Cả năm nay con trai tôi vừa cố học đều các môn để đạt học sinh giỏi nhằm được cộng điểm vào điểm thi, vừa phải học thêm để luyện thi hai môn toán, văn. Bây giờ không phải thi 2 môn mà thi 6 môn thì cháu còn đâu thời gian để thở" – chị Hoa ngán ngẩm cho hay.
Một phụ huynh khác là chị Nguyễn Ngọc Vân có con đang học tại trường THCS Vân Hồ tâm sự, đêm nào con chị cũng học đến hơn 11 giờ mới hết bài. "Nhìn con học bài căng thẳng mà thương. Thật sự tôi cảm thấy vô cùng chán nản khi nghĩ đến bốn môn thi tăng thêm, chưa nói là đến cuối tháng 3 mới có quyết định về việc con sẽ phải thi môn nào. Con tôi sẽ lấy đâu thời gian để đi luyện cả 6 môn, khi mà hiện tại cháu đã rất quá tải" – chị Vân nói. Chia sẻ sự may mắn một cách hài hước khi có con năm nay đang học lớp 9, anh Nguyễn Thành Lân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay "con tôi năm nay may mắn như các GS, tức là cháu được lên "chuyến tàu vét" chỉ với hai môn văn, toán. Thật không hiểu sẽ ra sao nếu như con tôi phải thi 6 môn vì cả năm nay, ngày nào cũng đến 12 giờ đêm cháu mới đi ngủ".
Dưới góc độ một phụ huynh, anh Lân nói thêm, việc tăng môn thi đã khiến áp lực đăt lên vai học sinh tăng thêm nhiều lần. "Với cách dạy và học thế này, ngành giáo dục đang khiến các phụ huynh và học sinh thật sự khủng hoảng. Muốn đổi mới thi cử thì phải đổi mới cả chương trình, cả cách dạy và học chứ nếu vẫn cách học cũ, chương trình cũ mà thi cử thì nhiều thì quá thiệt thòi cho học sinh" – anh Lân chia sẻ quan điểm.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành
Phản hồi ý kiến bày tỏ lo ngại việc có thêm bài thi tổ hợp nhiều môn khiến học sinh chịu thêm nhiều áp lực khi ôn thi nhiều môn, ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng kỳ thi THPT quốc gia mấy năm nay đã áp dụng hình thức thi với các bài thi tổ hợp.
Ông Toản giải thích thêm, ở kỳ thi THPT quốc gia thí sinh được chọn bài thi tổ hợp do còn dùng kết quả này để xét tuyển ĐH, CĐ, còn bài thi tổ hợp của Sở vẫn nhằm mục đích chủ yếu nhằm kiểm tra đánh giá năng lực học sinh ở bậc THCS và với mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện. Theo ông Toản, cả 2 bài thi tổ hợp đều có môn ngoại ngữ nhằm mục đích nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh thủ đô. Sở GD-ĐT cũng quyết định mỗi bài thi tổ hợp có cả môn thi tự nhiên lồng ghép môn thi xã hội để đảm bảo sự khách quan, công bằng. Học sinh THCS thực tế chưa có định hướng rõ ràng về ngành nghề và khi lên bậc THPT các em sẽ định hướng rõ ràng hơn. Vào tháng 9-2018, sở sẽ có đề minh họa bài thi tổ hợp vào lớp 10 THPT để học sinh được biết và làm quen.
Trước băn khoăn liệu phương pháp dạy học hiện nay có phù hợp với việc đổi mới thi hay không, ông Toản cho rằng khi Bộ GD-ĐT có bài thi THPT quốc gia thì sở cũng đưa các bài thi trắc nghiệp các môn vào để các trường làm quen.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội trấn an thêm: bài thi tổ hợp có thể riêng từng môn nhưng cũng có thể có những phần, những câu hỏi tích hợp liên môn, chứ không chỉ cộng ghép một cách cơ học.
Bình luận (0)