Ngày 26-8, trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2021, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tọa đàm - tư vấn trực tuyến chủ đề "Điểm sàn, điểm chuẩn và cơ hội trúng tuyển đại học" ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mức điểm sàn của khối ngành sức khỏe và sư phạm.
Điểm sàn, điểm chuẩn và Cơ hội trúng tuyển ĐH
Vì sao y dược, sư phạm trở nên "hot"?
Theo mức điểm sàn vừa công bố, ngành y khoa, răng - hàm - mặt của nhóm ngành sức khỏe đối với thí sinh khu vực 3 ở các tổ hợp là 22; ngành y học cổ truyền và dược học là 21; các ngành còn lại là 19. Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, điểm sàn là 19. Riêng ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật là 18 điểm với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa. Trước đó, hầu hết các trường đại học, học viện đã công bố điểm sàn theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Nhận định về mức điểm sàn khối đào tạo giáo viên tăng 0,5 điểm so với năm ngoái, TS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng việc xác định điểm sàn phụ thuộc kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT (phổ điểm đã công bố), đồng thời dựa trên kết quả nguyện vọng thí sinh đã đăng ký vào đợt 1. Do đó, phổ điểm tăng, nguyện vọng vào các ngành đào tạo giáo viên tăng nên đẩy điểm sàn tăng so với năm 2020. Điểm chuẩn vào các ngành có tăng hay không phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.
TS Lê Phan Quốc thông tin thêm năm nay việc tăng số lượng nguyện vọng vào khối ngành sư phạm có thể do việc nắm bắt thông tin trong lĩnh vực giáo dục của các thí sinh, chúng ta đều biết năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi là chương trình mới). Chương trình này sẽ áp dụng vào năm 2020 đối với lớp 1, đang cuốn chiếu dần năm nay là lớp 2 và lớp 6. Như vậy, trong lộ trình 4-5 năm tới, việc cần đội ngũ giáo viên có chất lượng sẽ là yêu cầu cấp thiết đối với việc thực hiện chương trình.
Đại diện các trường tại buổi tọa đàm - tư vấn trực tuyến chiều 26-8 Ảnh: VĂN HÙNG
Trong 4-5 năm nữa, khi ra trường, các em sẽ đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Ngoài ra, trong chương trình cũng có một số môn học/hoạt động giáo dục mà trước đó chưa có như hoạt động trải nghiệm, môn lịch sử - địa lý, môn khoa học tự nhiên. Cho nên, số thí sinh tăng nguyện vọng ở những ngành này và những ngành truyền thống luôn được thí sinh quan tâm như sư phạm toán, tiếng Anh, ngữ văn… cũng tăng.
Trước mức điểm sàn khối ngành sức khỏe không tăng so với năm ngoái, PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, Phó trưởng Phòng Điều hành Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, cho rằng dù điểm sàn không tăng nhưng có nhiều nhận định về điểm chuẩn sẽ tăng, trong đó có khối ngành sức khỏe. Tuy nhiên, hiện rất khó đưa ra nhận định tăng hay không và mức tăng nếu có là bao nhiêu vì từ ngày 29-8 đến 5-9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, nếu các em đổ dồn vào thì điểm chuẩn sẽ tăng và ngược lại.
Trước câu hỏi của một bạn đọc gửi về chương trình cho rằng cả nước đang trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, trong đó lực lượng y tế đang là tuyến đầu. Trước tình hình hiện nay, các trường y dược có nên đề nghị mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh? Ngành học nào thuộc khối y dược hiện còn thiếu hụt nhân lực và nên có những chính sách ưu đãi gì để thu hút thí sinh vào ngành y nhiều hơn? PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm cho rằng muốn tăng chỉ tiêu thì không hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc chiến chống dịch mà có nhiều yếu tố khác nhau như cơ sở vật chất, giảng viên… để tính ra tỉ lệ tuyển sinh.
"Ngành y rất đặc trưng, liên quan sức khỏe, tính mạng người dân. Trên thế giới, số lượng đào tạo cũng vừa phải. Các trường đều muốn đào tạo nhiều nhưng còn phụ thuộc thực hành; việc lựa chọn thí sinh giỏi để vào ngành phục vụ người dân được đặt lên cao. Hiện nhân lực ngành y còn thiếu là đúng, đặc biệt là y tế công cộng và lực lượng y tá..." - BS Phạm Hiếu Liêm nhận định.
Điểm chuẩn nhiều ngành sẽ tăng
Phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM, cho biết với khối ngành sức khỏe, số thí sinh đạt từ mức sàn trở lên năm 2021 là 90.700 thí sinh, nhỉnh hơn một chút so với năm 2020 (90.191); điểm trung bình năm 2021 của tổ hợp xét tuyển B00 thấp hơn 0,48 điểm so với năm 2020.
Điểm chuẩn ngành y khoa ở TP HCM, năm 2020 thấp nhất là 27,05 điểm. Số thí sinh đạt mức 27 điểm năm 2020 là 3.123 thí sinh, năm 2021 ít hơn với 2.833 thí sinh, như vậy khả năng điểm chuẩn ngành y khoa của một số trường sẽ không cao hơn năm 2020. Tuy nhiên, cụ thể còn tùy trường, tùy tình hình đăng ký xét tuyển năm nay và tùy thuộc số chỉ tiêu còn lại.
Ở khối sư phạm, các tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh (A01, D01) đều cao hơn gần 1 điểm so với năm 2020; các tổ hợp xét tuyển khác thường giảm cho nên có khả năng điểm chuẩn vào các ngành cũng sẽ tăng.
Trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (vào ngày 29-8), TS Lê Thị Thanh Mai khuyên thí sinh hãy xác định rõ mình thích làm nghề gì, nghề đó ở ngành nào, trường nào đang đào tạo ngành đó hoặc ngành gần. Tùy vào điểm thi của mình, chọn ra 3 nhóm trường có điểm chuẩn năm 2020 phù hợp để đặt nguyện vọng trên cơ sở nhóm 1 yêu thích, nhóm 2 có khả năng đậu, nhóm 3 bảo đảm đậu.
"Mỗi người đều chỉ có thể làm tốt nhất vài ba việc, do vậy nếu không đặt đúng môi trường thì môi trường cần thì mình không có, cái mình có thì môi trường không cần, vì vậy cần xác định rõ bản thân" - TS Thanh Mai khuyên.
ThS Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), lưu ý thí sinh khi đăng ký điều chỉnh nguyện vọng cần nghiên cứu thật kỹ không chỉ mức điểm trúng tuyển các chương trình đào tạo của trường trong những năm qua mà còn tìm hiểu kỹ về ngành học mình đăng ký như thế nào để có thể xây dựng chiến lược đặt nguyện vọng phù hợp hơn. Ngoài ra, khi chọn ngành thí sinh cần trao đổi với phụ huynh, phải thuyết phục được phụ huynh về ngành mình thích và muốn theo đuổi, đồng thời cần liên lạc với trường đại học để có cái nhìn rõ hơn về ngành nghề đó.
Còn nhiều cơ hội vào khối kinh tế - luật
ThS Nguyễn Hải Trường An cho biết Trường ĐH Kinh tế - Luật dành khoảng 50% - 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Ba khối ngành kinh tế - luật và kinh doanh được các thí sinh quan tâm nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt là những ngành mang tính gắn kết nhau giữa kinh tế và luật, kinh doanh và công nghệ.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)