Chu đáo dù đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng
Từng đỗ trường kinh tế nhưng Phạm Đức Long không theo học mà chọn thiết kế đồ họa (FPT Arena - Khối đào tạo liên kết quốc tế, Trường ĐH FPT) bởi thấy mình nhạy bén với hình ảnh, sự sáng tạo. Ngay khi vừa học hết kỳ I năm nhất, Long được một người bạn giới thiệu cho đơn hàng thiết kế logo. Cậu chia sẻ, dù tiền công nhận về không đáng bao nhiêu nhưng vẫn thấy vui và tự hào. Cũng từ đây đã nhen nhóm trong cậu ước mơ khởi nghiệp.
Nghĩ là làm, năm 2008, Long cùng 3 người bạn thân gom góp được 20 triệu đồng để mở cửa hàng. Diện tích cửa hàng lúc đầu chỉ khoảng 14m2. Đích thân Long nhận làm đủ mọi thứ, từ thiết kế web, thiết kế in ấn, bảo trì hệ thống mạng, sửa máy tính… và bán thêm đĩa game, phần mềm cùng linh kiện máy tính.
Trong tháng đầu tiên, để có khách hàng, nhóm Long tự chia nhau 2.000 tờ rơi giới thiệu về dịch vụ của cửa hàng và đi phát khắp nơi. Tháng đó, đơn hàng thu về chưa chẵn chục, nhưng các thành viên vẫn vui bởi công sức bỏ ra đã ít nhiều có thành quả. Đơn hàng khi ấy chủ yếu là thiết kế menu cho quán cafe trị giá 200 nghìn đồng/trang; còn lại phần lớn là sửa máy tính, 50 nghìn đồng/máy.
Long chia sẻ, do cửa hàng nhỏ, chưa mở rộng được thị trường nên cậu luôn đặt việc “giữ chân” khách hàng cũ lên trên hết. Với mỗi đơn hàng, Long luôn chăm chút và nghiên cứu rất kỹ để mang lại dịch vụ, sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Phục vụ chu đáo, không quản tối sớm, lại có giá cả phải chăng nên cửa hàng của Long không những giữ được khách quen mà còn được giới thiệu thêm khách mới.
Sang năm thứ 2, số đơn hàng cùng lượng khách tăng lên nhờ khách quen giới thiệu. Doanh thu của các tháng cũng tăng từ 5 triệu lên 10 triệu, rồi 40 triệu/tháng.
Đến những hợp đồng tiền tỷ
Vị CEO trẻ tuổi hóm hỉnh kể về lý do cửa hàng của cậu được “nâng cấp” lên thành công ty. Sau 2 năm hoạt động, lần đầu tiên, cửa hàng của Long nhận được hợp đồng lắp máy tính cho trường học, trị giá 600 triệu đồng. Cậu hăm hở lên Google tải xuống một bản hợp đồng mẫu từ Internet và vui mừng mang đi ký. Tuy nhiên, khi đến nơi, khách hàng yêu cầu cậu phải có con dấu công ty kèm hóa đơn. Lúc ấy, cậu mới ngớ người ra và bắt đầu có khái niệm mở công ty. Tham vọng tìm kiếm những đối tác lớn thay vì hoạt động bán lẻ ở cửa hàng như trước đây cũng được hình thành trong chàng trai trẻ từ đó.
Năm 2010, cửa hàng của Long chính thức trở thành công ty mang tên Mstar Corp, công ty cung cấp, sửa chữa thiết bị tin học, viễn thông... . Với chàng trai 23 tuổi khi ấy, khi thành lập công ty cũng là lúc đối mặt với những thử thách không nhỏ. Đó là việc phải giải quyết các khoản chi phí cao ngoài sức tưởng tượng như thuê mặt bằng, trang trí showroom, nhân viên… và cả vốn gối đầu vì có thêm các hợp đồng công nợ.
Để vượt qua những khó khăn này, Long thừa nhận, cậu cùng nhóm bạn phải vay thêm tiền người thân và nỗ lực rất nhiều để trả lãi đúng hạn cũng như xoay vòng vốn. Cũng khoảng thời gian đó, dù quy mô công ty đã mở rộng nhưng không vì thế mà cậu bỏ quên những khách hàng, công ty nhỏ lẻ. Vị CEO trẻ tuổi nhớ lại, có hôm 9 – 10h tối mà vẫn có công ty gọi điện đến nhờ sửa hai chiếc máy tính. Dù tiền thu lại lúc đó chẳng đáng bao nhiêu, thời điểm lại muộn nhưng Long vẫn cử người đến tận nơi để sửa.
Những ngày sau, cậu tiếp tục cho nhân viên gọi điện đến chăm sóc, hỗ trợ vị khách đó nếu cần. Cứ thế, mỗi khi máy tính hỏng hay cần bảo trì hệ thống mạng cho toàn công ty, họ lại tin tưởng và đều nhờ bên Long. Đây chính là cách chàng trai trẻ khiến nhóm khách hàng thân quen tăng tần suất sử dụng dịch vụ của công ty mình. Cũng nhờ đó, công ty Long có thêm ngân sách để bù lại số công nợ chưa kịp thu hồi từ những hợp đồng lớn. Chàng cựu SV FPT Arena cho biết hết lòng với từng chục nghìn đồng là bí quyết khởi nghiệp của cậu.
Hơn nữa, để có thêm kinh nghiệm quản trị, bản thân chàng trai trẻ rất tích cực tham gia các diễn đàn, hiệp hội doanh nghiệp. Nhờ tinh thần ham học hỏi, tinh thần lăn xả cùng khát khao chinh phục, sau 8 năm, công ty của chàng trai trẻ Phạm Đức Long càng ngày càng thêm đối tác và tạo được uy tín với nhiều khách hàng lớn như Unilever, Ngân hàng ViettinBank, tập đoàn Open Asia Group, SFC, Bến Thành… Theo đó, những hợp đồng lớn từ mấy trăm triệu đến 1 tỷ rồi 2 tỷ cứ dần tăng lên theo cấp số cộng.
Từ một cửa hàng với 3 nhân sự, tính đến nay, công ty của Long đã có 35 nhân viên với 2 chi nhánh ở Quận 1 và Quận Gò Vấp (TP HCM). Trong thời gian tới, Long tham vọng sẽ đưa công ty trở thành đơn vị cung cấp giải pháp trọn gói cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm “vàng” sau 8 năm khởi nghiệp với các bạn trẻ, Phạm Đức Long cho biết: “ngay từ lúc đầu tập thói quen làm việc chuyên nghiệp, tận tâm vì nó sẽ ảnh hưởng đến cách làm việc lâu dài của bạn. Nên lập kế hoạch tài chính rõ ràng khi bắt đầu khởi nghiệp. Đồng thời xây dựng tốt mọi mối quan hệ, với bất cứ ai bạn gặp bởi tất cả các mối quan hệ này đều có ý nghĩa, vai trò nhất định trong cuộc sống và sự nghiệp của bạn”.
Bình luận (0)