Nhiều ý kiến cho rằng năm nay, tất cả những phương thức xét tuyển của các trường ĐH đều phải lọc ảo chung trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT khiến những phương thức tuyển sinh viên không còn phù hợp.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết những năm qua, những phương thức xét tuyển đều có lộ trình tuyển sinh riêng do các trường tự quyết định.
Chẳng hạn như phương thức xét học bạ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp… các trường đều có thể gọi thí sinh trúng tuyển nhập học ngay sau khi có kết quả đậu tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng những phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT đều có tỉ lệ ảo khá cao nên việc lọc ảo sẽ giúp giảm tình trạng này. Tuy nhiên, cách làm này khiến các trường bị động, những phương thức tuyển sinh riêng không còn phù hợp.
TS Trần Thiện Lưu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng từ năm 2021 trở về trước, sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường đã nắm chắc trong tay một phần thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ và những phương thức khác; trường cũng biết dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng năm nay mọi thứ đều mông lung.
Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH năm 2022
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, việc lọc ảo chung thực tế chỉ là phát triển thêm so với việc lọc ảo từ điểm thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đã thực hiện nhiều năm qua. Có điều, quy chế tuyển sinh ĐH năm 2022 Bộ GD-ĐT công bố quá muộn trong khi thí sinh và các trường ĐH theo quán tính đã chạy từ trước. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào các trường theo những phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT tới đây lại phải đăng ký lại trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT mới được xem là hợp lệ. Việc công bố quy chế quá chậm lại kéo theo nhiều thay đổi về kỹ thuật khiến các trường rơi vào thế bị động, thậm chí "việt vị"
Theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, năm nay thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22-7 đến trước 17 giờ ngày 20-8; các trường thông báo kết quả trúng tuyển trước 17 giờ ngày 17-9; thí sinh xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 30-9. TS Trần Thiện Lưu, cho rằng những trường không tuyển bổ sung sẽ tổ chức đào tạo từ đầu tháng 10, chậm hơn 1 tháng so với các năm trước chưa có dịch Covid-19; các trường phải tuyển bổ sung thì việc tổ chức đào tạo còn trễ hơn nữa. Với lịch tuyển sinh này, các trường đều phải điều chỉnh lại kế hoạch đào tạo.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết để bảo đảm kế hoạch đào tạo chung của các năm tiếp theo thì tân sinh viên phải học dồn ít nhất 1 học kỳ nhưng năm nay trễ quá nên việc kéo dồn có thể phải diễn ra 2-3 học kỳ.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (thành viên ĐHQG TP HCM), việc kéo dài thời gian tuyển sinh khiến các trường ĐH đều phải điều chỉnh kế hoạch đào tạo đối với sinh viên năm nhất, nhưng với các trường phải tuyển sinh bổ sung thì việc điều chỉnh kế hoạch đào tạo là quá vất vả.
Bình luận (0)