Hòa chung với không khí tưng bừng đón chào năm học mới, sáng 5-9, thầy cô cùng các em học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, ở bản Giang Châu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 với nhiều cảm xúc.
Con đường tới trường của các em còn lắm gian nan
Trường tiểu học Kim Đồng được thành lập từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn thiếu thốn nhiều trang thiết bị giảng dạy, học tập. Đặc biệt, ở ngôi trường này có đến 99% là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Chung tôi vẫn có một niềm tin các em sẽ đến được bến bờ tri thức
6 giờ sáng, em Lý Thị Sanh mặc bộ áo quần áo đã nhuộm màu đất đỏ của Tây Nguyên mùa mưa lũ để đến trường khai giảng.
Hôm nay em đã cùng bạn bè tự mình đến trường do bố mẹ đã dậy từ sớm để đi làm thuê ở địa phương khác.
"Gia đình em nghèo lắm, năm học này bố mẹ không có đủ tiền mua quần áo mới cho em. Em không buồn vì bố mẹ hứa chỉ cần em chăm ngoan, ít tháng nữa đến vụ thu hoạch cà phê sẽ mua tặng cho em bộ đồ mới. Bộ đồ em đang mặc cũng là xin của các anh chị khóa trước để sử dụng" - Sanh tâm sự.
Những chiếc áo cũ tới trường
Theo thầy Nguyễn Thế Cảnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, dù điều kiện kinh tế ở bản Giang Châu còn nhiều khó khăn, phần lớn là hộ nghèo nhưng khi đến tuổi, tất cả các em đều được đến trường.
Qua rà soát đầu năm học mới, toàn trường có 10 lớp với 238 em học sinh. Trong đó, toàn trường chỉ có 2 em học sinh người kinh, tất cả các em học sinh còn lại đều là học sinh dân tộc thiểu số thuộc các gia đình hộ nghèo, cận nghèo.
Bước vào năm học mới nhưng trong ngày khai giảng, hầu hết các em học sinh của nhà trường vẫn phải sử dụng quần áo cũ hoặc đồ của các anh chị lớp trước để lại để đi học. "Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các em học sinh ở đây đều cố gắng học tốt. Trong năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh nhà trường đạt loại khá, giỏi trên 40%" – thầy Cảnh đầy tự hào nói.
Lễ khai giảng đầy ý nghĩa dù cuộc sống của các em còn nhiều khó khăn
Cũng trong sáng 5-9, từ 7 giờ 15 phút, tất cả các trường ở TP Đà Nẵng đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Lễ khai giảng của các trường diễn ra trong thời tiết mát mẻ, kéo dài không quá 45 phút.
Năm học 2019 - 2020, toàn TP Đà Nẵng có 207 trường mầm non (tăng 2 trường), 101 trường tiểu học, 60 trường THCS (tăng 1 trường), 32 trường THPT và trường nhiều cấp học, 3 Trung tâm GDTX.
Phụ huynh đưa trẻ đến trường trong lễ khai giảng sáng 5-9 tại Trường TH Phù Đổng
Học sinh lớp 1 Trường TH Phù Đổng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng tự tin trong ngày đầu năm học mới
Sáng 5-9, thời tiết trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng mát mẻ, thuận lợi cho lễ khai giảng năm học mới
Chị gái hướng dẫn em vào lớp 1 trong ngày đầu năm học
Sáng cùng ngày, hầu hết các trường ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2019-2020.
Trong ngày khai giảng, các trường học ở tỉnh này không tổ chức thả bóng bay mà thay vào đó là những hình thức hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng cho học sinh.
Ngành giáo dục địa phương này cũng khuyến khích học sinh không bọc vở bằng bìa ni lông.
Những bó hoa tươi thắm ngày khai giảng
Do ảnh hưởng của mưa lũ gây ngập lụt nên 10 trường mầm non, tiểu học và THCS ở xã Phong Hòa, Phong Bình (huyện Phong Điền) không thể tổ chức khai giảng vào sáng 5-9. Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phong Điền, cho biết các giáo viên đang dọn dẹp vệ sinh để tổ chức khai giảng vào ngày 9-9.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, trước đó cũng có thư gửi các giáo viên, học sinh, phụ huynh nhân ngày khai giảng năm học mới. Trong thư, ông Thọ nhấn mạnh giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, ứng xử lễ phép, "học ăn, học nói, học gói, học mở" là bài học vỡ lòng, hành trang theo các em trên suốt đường đời.
Không có bong bóng bay ngày khai giảng
Thư của ông Phan Ngọc Thọ gửi các giáo viên, học sinh, phụ huynh năm học mới
Trước đó, từ ngày 19-8, các trường trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đều đã nhập học để dự phòng thời gian bị thiên tai bão lụt. Theo thống kê, địa phương này có tới 287 phòng học xuống cấp (chiếm tỉ lệ 4,08%), trong đó tập trung ở huyện Phú Vang và Quảng Điền; 382 phòng học bộ môn (26%) chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và 505 nhà vệ sinh (16,8%) chưa đạt chuẩn theo quy định.
Bộ đội đón học sinh đến trường khai giảng
Sáng 5-9, cùng với cả nước, Trường Tiểu học Tô Hiệu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Khi công tác tổ chức đã hoàn tất, các giáo viên kiểm tra sĩ số thì phát hiện một số học sinh ở bản Si Á vẫn chưa có mặt.
Do suốt một tuần qua, trên địa bàn mưa lớn kéo dài khiến nước suối dâng cao, cuốn trôi một chiếc cầu treo khiến nhiều em tại khu vực này không thể đến trường ngày khai giảng.
Đại tá Nguyễn Đình Tụ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720, Binh đoàn 16, cho biết ngay sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ của ban giám hiệu nhà trường, đơn vị đã cử 3 người cùng xe của đơn vị đến khu vực các em sinh sống.
Do một đoạn đường vào nhà các học sinh bị chia cắt, xe ô tô không vào được nên bộ đội phải lội bộ vào tận nhà, cõng các em qua đoạn nguy hiểm đưa đến trường.
“Đây là ngày hội của các em, khởi đầu một năm học mới, việc các em vắng mặt ngày khai giảng sẽ mất đi ý nghĩa nên chúng tôi quyết tâm đưa các em đến được trường” - đại tá Tụ nói.
Sáng 5-9, hơn 26.000 học sinh của các trường trên địa bàn Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đồng loạt khai giảng năm học mới. Trong năm học 2019-2020, toàn huyện đảo Phú Quốc 32 trường công lập từ mần non đến THCS, có 3 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Học sinh Trường THCS Dương Đông 2 chào cờ tại lễ khai giảng năm học mới
Bong bóng bay vẫn xuất hiện trong dịp khai giảng năm nay nhưng không thả lên không trung
Ông Đỗ Văn Tuân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc, cho biết toàn huyện thiếu 176 chỉ tiêu biên chế giáo viên, hầu hết các trường học ở 2 thị trấn Dương Đông và An Thới đang trong tình trạng quá tải.
Tại lễ khai giảng ở Phú Quốc sáng nay, nhiều học sinh cầm trên tay bóng bóng bay nhưng không thả lên không trung.
Bình luận (0)