Sáng 31-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP về tình hình dạy thêm, học thêm. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết giáo viên (GV) không được dạy thêm cho học sinh (HS) mà mình đang dạy chính khóa trong bất cứ trường hợp nào, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo qui định.
10% HS học thêm do bị ép buộc
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP, hiện nay TP có khoảng 100.000 HS tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ, khoảng 190.000 HS THCS-THPT học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 HS học tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Sở đã cấp phép cho 82 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên dạy thêm trong trường với 80.000 HS. Có 34 cá nhân và tổ chức được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường. UBND các quận, huyện cũng cấp phép cho 106 đơn vị THCS dạy thêm trong trường với khoảng 110.000 HS; 47 cá nhân và tổ chức dạy thêm ngoài trường với khoảng 10.000 HS. TP không cấp phép dạy thêm cho bậc tiểu học.
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh), phát biểu tại buổi làm việc
Để thực hiện chỉ đạo cấm dạy thêm của Thành ủy TP HCM, ông Lê Hồng Sơn cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng. Hiệu trưởng sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra tình trạng ép buộc HS học thêm GV trong đơn vị mình phụ trách. Sở cũng ngừng cấp phép mới cho các trường tổ chức dạy thêm; tiếp tục phối hợp với các quận, huyện thanh kiểm tra nhằm chấm dứt việc dạy thêm sai quy định. Triển khai các giải pháp đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới cách đánh giá, ra đề kiểm tra...
Theo ông Lê Hồng Sơn, lý do chính của dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh (PH). Ngoài ra, còn do hiện tượng biến tướng của dạy thêm, học thêm với 10% HS bị GV ép đi học.
Ở góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định PH cho con học thêm để đáp ứng thi cử và bảo đảm kiến thức. Đặc biệt, trong các đợt tuyển sinh cuối cấp và chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia, các PH đều lo cho con đi học để vào được các trường mong muốn. Thêm vào đó, sĩ số HS hiện rất cao, dù GV tâm huyết, giỏi chuyên môn đến mấy cũng không thể truyền đạt hết kiến thức đến từng em.
“Hiện sở đã nhận được rất nhiều yêu cầu cấp phép dạy thêm bên ngoài nhà trường. Sắp tới, sở sẽ kiểm tra, bảo đảm điều kiện mọi mặt mới cấp phép chứ không phải muốn cấp phép là được” - ông Hiếu nói.
Phán quyết phải hợp lý và hợp tình
Trước phát biểu của lãnh đạo Sở GD-ĐT, cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh), mong muốn sở dựa trên những kết quả mà ngành GD-ĐT và GV đã làm được cho HS để có những phán quyết hợp lý với người thầy.
“Với chỉ đạo này, chúng tôi rất buồn. Cấm dạy thêm tức là GV đã làm sai hay sao? Bản thân tôi sống trong nội thành, tôi và nhiều GV khác có đủ điều kiện để chuyển về các trường nội thành nhưng tại sao chúng tôi ở lại? Tất cả là vì cái tình, cái nghĩa với HS” - cô Chương rơi nước mắt.
Trong các buổi khảo sát trước đó của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nhiều GV chia sẻ họ bị tổn thương trước lệnh cấm dạy thêm, bởi lý do lớn nhất không phải do người thầy nhưng lại trở thành đề tài bàn tán, thậm chí có những cái nhìn méo mó về nghề giáo.
Ông Lê Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), thẳng thắn: “Ban khảo sát đề nghị làm rõ lý do vì sao HS đi học thêm, trong đó vì lý do GV ở trường dạy hời hợt? Đó là nhận định phiến diện vì với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo, không ai làm việc này, cán bộ quản lý cũng không khoanh tay để vấn đề đó xảy ra bởi còn uy tín của nhà trường với PH”.
“Việc HS phải học thêm, đó là nhu cầu chính đáng của PH vì họ còn công việc, họ tin tưởng ở nhà trường. Không lẽ dành thêm thời gian để HS tham gia các hoạt động khác trong nhà trường như kỹ năng sống, năng khiếu là sai trái?” - ông Tòng nêu vấn đề.
Là đại biểu HĐND TP và cũng là cán bộ quản lý một phòng giáo dục, chưa có cuộc họp nào bà Nguyễn Việt Tú lại cảm thấy căng thẳng như cuộc này. Bà nói: “Hiện nay còn nhiều thông tin, quan điểm trái chiều, Sở GD-ĐT liệu đã trao đổi với lãnh đạo TP về các luồng thông tin này? Bởi nó ảnh hưởng rất lớn tới cán bộ quản lý, GV. Với mức lương ngành giáo dục rất thấp, nếu sở chia sẻ với lãnh đạo cụ thể về vấn đề này, chắc chắn các lãnh đạo sẽ có cái nhìn khách quan hơn” - bà Tú đề xuất.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, nhìn nhận dù 10% con số bị ép buộc học thêm không lớn nhưng thực tế đó làm ảnh hưởng tới chất lượng, uy tín của ngành giáo dục. Do đó, các giải pháp phải làm chặt chẽ, nghiêm túc và đồng bộ hơn về vấn đề dạy thêm, học thêm. Sở GD-ĐT cần tăng cường tuyên truyền về chủ trương này cho GV và PH đồng thuận. GV cũng cần phải nâng cao phương pháp truyền thụ cho HS, phải tăng việc học 2 buổi/ngày tại các lớp cuối cấp.
Tuy nhiên, bà Nhung thừa nhận việc này rất khó thực hiện vì TP luôn bị “phá vỡ” quy hoạch trường lớp do tình trạng tăng dân số cơ học.
Cô BÙI MINH TÂM, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1):
Cấm ở trường, cho phép ở trung tâm
Cấm dạy thêm là chủ trương đúng. Tuy nhiên, nội dung thi cử, cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT hiện chưa thay đổi. Chất lượng giáo dục liệu có giữ được như hiện nay? Cấm dạy thêm trong nhà trường nhưng lại cho dạy ở các trung tâm. Học phí ở các trung tâm rất cao và cơ sở vật chất không bảo đảm như trong trường học.
Ông NGUYỄN MẠNH TRÍ, đại biểu HĐND:
Nặng tay quá?!
Đuổi việc GV vi phạm dạy thêm liệu có quá nặng và khiến GV tâm phục khẩu phục? Cải cách chương trình; đổi mới cách thi cử và ổn định đời sống GV là những việc quan trọng nhất để việc dạy thêm, học thêm không biến tướng. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong đề án giảm tải của sở vẫn còn căn cứ bảo đảm khung của Bộ GD-ĐT. Vấn đề đặt ra là nếu khung của bộ còn nặng thì sở có kiến nghị và dám cắt, dám quyết liệt làm để giảm tải chương trình?
Bình luận (0)