Việc mất cân bằng cung cầu nhiều năm liên tiếp tất yếu dẫn đến lượng hồ sơ dồn ứ khiến nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, đất nước lãng phí nguồn nhân lực.
Hiện nay, các trường ĐH đều tạo điều kiện cho những sinh viên học ngoài sư phạm, đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đăng ký đi kiến tập, thực tập sư phạm ở các trường phổ thông như sinh viên sư phạm. Bất kỳ học ở trường ĐH nào, nếu muốn đi dạy chỉ cần có chứng chỉ sư phạm. Làm thế khác nào cào bằng, đào tạo “cửa sau”! Thay vì lập trình theo kiểu này, trong kế hoạch tuyển sinh, trường trực tiếp xin thêm chỉ tiêu sư phạm rồi hạ điểm chuẩn, lấy số nhiều, đào tạo sư phạm ngay từ đầu chắc chắn sẽ có chất lượng cao hơn.
Sinh viên trường ĐH sư phạm ngoài kiến thức chuyên môn còn phải học các môn tâm lý, sư phạm, phương pháp giảng dạy và được rèn luyện trong môi trường sư phạm suốt quá trình học. Trong khi sinh viên học ở các trường ĐH ngoài sư phạm, kể cả tại chức, liên kết, đào tạo từ xa… sau khi bổ túc nghiệp vụ sư phạm là được đánh đồng, thậm chí lấn chỗ với sinh viên sư phạm. Sinh viên sư phạm ra trường vì thế không ế mới lạ?
Các trường sư phạm hiện nay đang luẩn quẩn, mất dần vị thế và gần đây nhất, một số trường không còn tuyển đủ số lượng sinh viên trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm vẫn phải làm đủ nghề tay trái để mong một ngày được đứng trên giảng đường truyền đạt kiến thức đã trau dồi suốt 4 năm ĐH.
Bình luận (0)