Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên (GV) Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), nhận định thay đổi này của Bộ GD-ĐT tương đối phù hợp với tình hình hiện đại, phát triển theo xu hướng của thế giới.
Theo thầy Bảo, việc sử dụng điện thoại thông minh giúp HS có thể thực hiện nhiều hình thức học tập mới trong giờ học. Khi có điện thoại sử dụng trong giờ học, thầy cô sẽ thực hiện được nhiều hoạt động học tập hơn. Ví dụ, bài tập cho HS không còn là bài viết trên giấy nữa mà chuyển sang các hình thức như các em có thể chụp hình lá, chụp hình cây để nộp. Các em có thể quay phim để làm bài tập nộp cho thầy cô…
"Cách tổ chức bài giảng trên lớp của GV cũng là điều quan trọng để thực hiện được thông tư này. Thông tư cũng nêu rõ chỉ cho phép chứ không ép buộc phải sử dụng. Như vậy, GV sẽ cân chỉnh, điều tiết phân bố số lượng điện thoại sử dụng trong một tiết học. Ví dụ sẽ học theo nhóm, 4 HS một điện thoại chứ không nhất thiết mỗi HS một điện thoại" - thầy Bảo giải thích.
Là một trong 5 trường thí điểm mô hình trường học thông minh của TP HCM, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trong 5 năm trở lại đây thường xuyên có những tiết dạy cho HS sử dụng điện thoại di động, áp dụng ở nhiều môn học. Chẳng hạn, với môn địa lý, khi học bài về khí hậu, thời tiết mang tính thời sự, HS sẽ được sử dụng điện thoại di động để xem những tin tức về các cơn bão hoặc hạn hán, tính trực quan của bài dạy được nâng cao.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng để sử dụng tốt điện thoại di động cho việc học, chính thầy cô phải có cái nhìn rộng mở hơn. Phải nhận thấy điện thoại di động là dụng cụ học tập, là một "cuốn sách điện tử" hữu hiệu, đã được minh chứng qua đợt dịch Covid-19. Với góc nhìn của thời đại 4.0, GV sẽ thấy thú vị khi xử lý mọi vấn đề của tiết học trên điện thoại di động, vừa tiết kiệm tiền vừa tiện dụng và chính là nền tảng để phát triển dạy học trực tuyến.
"GV hoàn toàn có thể quản lý được việc HS sử dụng điện thoại di động trong tiết học của mình. Thay vì để HS sử dụng nó vào mục đích lướt web, chơi game, chat…thì nên tạo cho các em thói quen sử dụng để tra cứu bài học, tăng sự sinh động cho bài giảng" - thầy Phú nhấn mạnh.
Lý giải về quyết định này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho rằng xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Khi đã dạy học qua internet thì phải có phương tiện cho HS truy cập các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác... Quy định mới này sẽ giúp HS trong trường hợp cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ bài học khi được sự cho phép của GV.
Theo ông Thành, trong thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy - học của GV và HS. Ở các quốc gia có điều kiện, HS khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học trên mạng. GV tổ chức cho HS học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho rằng không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát. Trong lớp học, GV sẽ giao cho HS nhiệm vụ. GV sẽ quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho HS và HS phải hoàn thành nhiệm vụ học tập. Trong 1 giờ học ở lớp thì mọi hành động của HS phải được GV kiểm soát.
Bình luận (0)