Phóng viên: Thí sinh rất quan tâm đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM như thế nào. Đây có phải là kỳ thi bắt buộc để vào học ĐHQG TP HCM không, thưa ông?
- TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH: Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các đề thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Myx, TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh...
Xét về cấu trúc, đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu và phân tích vốn được nhấn mạnh ở đề thi SAT; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của đề thi TSA.
Cụ thể, đề thi đánh giá năng lực đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung đề thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Kết quả thi đánh giá năng lực là một trong những phương thức xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐHQG TP HCM. Năm 2023, ĐHQG TP HCM dự kiến dành tối thiểu 45% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực.
Thí sinh theo dõi thông tin chi tiết đề án tuyển sinh tại website của các trường ĐH thành viên ĐHQG TP HCM (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH An Giang), Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính và Phân hiệu ĐHQG TP HCM tại tỉnh Bến Tre.
Nếu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ có thêm cơ hội để xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐHQG TP HCM. Thí sinh vẫn được quyền đăng ký thêm các hình thức xét tuyển khác. Ngoài ra, kết quả thi đánh giá năng lực cũng được gần 80 trường ĐH, CĐ ngoài ĐHQG TP HCM sử dụng để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Khi đăng ký dự thi, thí sinh có được quyền lựa chọn nơi thi với địa điểm như mong muốn không? Trường hợp thí sinh muốn đổi địa điểm thi đánh giá năng lực thì làm thế nào?
- Năm 2023, khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực, thí sinh có thể lựa chọn một trong 21 tỉnh, thành phố, gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Thí sinh thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP HCM. Ảnh: NGUYỄN HUY
Thí sinh có thể tham khảo bản đồ phân bố địa điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM năm 2023 tại đường dẫn: http://cete.vnuhcm.edu.vn/thi-danh-gia-nang-luc.html. Địa điểm thi với số báo danh và phòng thi sẽ được hệ thống thông báo trên giấy báo dự thi trong tài khoản dự thi của thí sinh trước ngày thi 1 tuần.
Thí sinh có thể thay đổi địa điểm thi đánh giá năng lực trong thời gian mở cổng đăng ký dự thi theo từng đợt. Trường hợp cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực (theo đợt thi) đã đóng, nếu thí sinh muốn đổi địa điểm thì gửi email về: thinangluc@vnuhcm.edu.vn để được hỗ trợ. ĐHQG TP HCM chỉ xem xét giải quyết các trường hợp đề nghị điều chỉnh địa điểm dự thi trong vòng 5 ngày kể từ khi đóng cổng đăng ký của đợt thi và trong trường hợp địa điểm thi còn đủ điều kiện bổ sung thí sinh.
Trong quá trình đăng ký dự thi, nếu thí sinh quên mật khẩu khi đăng nhập tài khoản cá nhân thì làm thế nào? Có đề thi mẫu hay không?
- Nếu thí sinh quên mật khẩu thì nhấn vào "Quên mật khẩu"; sau đó nhập tên đăng nhập (số CMND/CCCD) và nhập địa chỉ email tài khoản đã đăng ký rồi nhấn "Xác nhận". Hệ thống đăng ký sẽ tự động gửi email cho thí sinh (email đã đăng ký trên hệ thống).
Nếu không nhận được thư trong thư mục hộp thư đến, thí sinh cần kiểm tra hộp thư rác. Email thí sinh nhận được bao gồm đường link xác nhận và mật khẩu đăng nhập mới. Thí sinh nhấn vào đường dẫn xác nhận và thực hiện theo hướng dẫn.
ĐHQG TP HCM công bố đề thi mẫu minh họa tại trang web: http://cete.vnuhcm.edu.vn/thi-danh-gia-nang-luc.html.
Ngoài ra, ĐHQG TP HCM không ban hành các tài liệu ôn tập dưới mọi hình thức, không tổ chức luyện đề thi.
Nếu thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực mà không trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển điểm thi này thì có còn cơ hội trúng tuyển vào ĐHQG TP HCM không?
- Các trường ĐH thành viên và các cơ sở đào tạo trực thuộc ĐHQG TP HCM sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào ĐHQG TP HCM bằng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu thí sinh không trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực thì vẫn có thể trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác.
Tổ chức 2 đợt thi
Năm 2023, ĐHQG TP HCM tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực vào tháng 3 và tháng 5. Cụ thể: Đợt 1 tổ chức thi vào ngày 26-3 (sáng chủ nhật) tại 21 tỉnh, thành phố; thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 1 đến 28-2. Đợt 2 tổ chức thi vào ngày 28-5 (sáng chủ nhật) tại 4 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang; thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 5 đến 28-4.
Bình luận (0)