Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 10-2 đăng bài “Chới với vì tiêu chí giảng viên”, cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ rất linh động, mềm dẻo với các khối trường nghệ thuật, trường đào tạo những ngành đặc thù về yêu cầu tiến sĩ”.
Chỉ cần tiến sĩ gần chuyên ngành đào tạo
Theo ông Ga, những trường không có tiến sĩ đúng với chuyên ngành như piano, sân khấu, điện ảnh… thì phải có tiến sĩ gần với chuyên ngành này (có công trình nghiên cứu liên quan) chứ không nhất thiết phải đúng tiến sĩ đào tạo chuyên ngành đó. “Nếu trong trường hợp bất đắc dĩ không tìm được tiến sĩ như yêu cầu thì phải có 5 thạc sĩ thay vì 3 thạc sĩ. Bộ đã rất mềm dẻo trong lĩnh vực đào tạo các ngành này” - ông Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng đào tạo ĐH khác với đào tạo bậc phổ thông là phải có “đầu tàu” dẫn dắt sự phát triển của ngành đào tạo đó nên yêu cầu phải có tiến sĩ. “Đối với các nước phát triển, tất cả các giảng viên đều phải là tiến sĩ, còn ở Việt Nam cả một ngành mà không có tiến sĩ nào thì rất khó thuyết phục xã hội về việc bảo đảm chất lượng” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải về quyết định đóng cửa 207 ngành đào tạo của 71 trường ĐH.
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng về mặt nguyên tắc, các trường phải thực hiện đúng Thông tư 08 và Thông tư 38 về tiêu chuẩn điều kiện cho phép mở ngành đào tạo và thu hồi giấy phép đào tạo. “Với những ngành đào tạo đặc thù có thể xem xét số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có chuyên ngành gần với ngành đào tạo đó. Tuy nhiên, nếu các trường thiếu hoàn toàn các điều kiện về giảng viên so với yêu cầu thì không thể duy trì mở ngành đào tạo vì như thế sẽ không bảo đảm chất lượng” - ông Tuấn cho hay. Ông Tuấn nói thêm trường nào khắc phục được và bảo đảm về đội ngũ thì được tuyển sinh trở lại, nếu không sẽ phải dừng tuyển sinh và năm 2015 không khắc phục được, bộ sẽ thu hồi quyết định mở ngành đào tạo.
Đánh giá năng lực để xét tuyển
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 10-2, trước những băn khoăn về việc giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT có dẫn tới hậu quả học sinh học không toàn diện các môn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi mà có cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%). Muốn có hồ sơ dự tuyển ĐH tốt (gồm kết quả học tập tốt và kết quả tốt nghiệp tốt) thì học sinh không thể “học lệch” mà phải nỗ lực học tập tất cả các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12. Cũng theo ông Hiển, việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây.
Ông Hiển cho rằng trong tương lai, các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT làm dữ liệu tuyển sinh cho trường. Như vậy, việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (toán và ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh ĐH, CĐ mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực, sở trường của các em phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường. Như vậy, việc tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ linh hoạt hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nguồn tuyển.
Chưa gút phương án tuyển sinh riêng
Bộ GD-ĐT cũng cho biết đến hạn chót ngày 10-2 đã có 31 trường gửi dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh về bộ, trong số này có khoảng 15 đề án tương đối hoàn thiện.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho hay trong quá trình lấy ý kiến về đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ, một số vấn đề quan trọng đã được dư luận nêu ra cần tiếp tục nghiên cứu.
Những năm đầu tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: toán và tư duy logic, khoa học xã hội (văn, sử, địa, giáo dục công dân), khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh, kỹ thuật) và ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thí sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…).
Bình luận (0)