Tạp chí Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng 417 trường ĐH khu vực châu Á năm 2019. Theo đó, đứng đầu bảng là ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc), tiếp theo là ĐH Quốc gia Singapore (NUS). Quốc gia có nhiều ĐH lọt vào bảng xếp hạng nhất là Nhật Bản, với 103 trường. Tiếp theo là Trung Quốc 72 trường.
Đánh giá khắt khe
Riêng khu vực ASEAN, Singapore vẫn là nước nổi lên hàng đầu với 2 trường lọt vào top 10. Năm ĐH của Đông Nam Á trong top 100, trong đó Singapore có 3 trường, Malaysia 1 trường, Philippines 1 trường. Dù có khá nhiều trường của khu vực ASEAN lọt vào danh sách này nhưng không có đại diện nào của Việt Nam.
Các chuyên gia làm công tác bảo đảm chất lượng đều đánh giá xếp hạng THE có thể được xem là một trong số ít bảng xếp hạng uy tín của thế giới hiện nay. Việc được xem là uy tín là do tự thân THE xây dựng các tiêu chí đánh giá khách quan, có tính học thuật, và đáp ứng được sự đa dạng của phát triển ĐH.
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng nghiên cứu khoa học
TS Trần Nhật Tân, Giám đốc Trung tâm Bảo đảm chất lượng - Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cho rằng trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng và nhiều kiểu xếp hạng khác nhau. Kể cả trong một tổ chức xếp hạng như QS Ranking hay THE Ranking thì họ cũng chia ra thành nhiều kiểu xếp hạng. Ví dụ tiêu chí (hoặc trọng số các tiêu chí) xếp hạng các trường ĐH trên thế giới có thể khác với tiêu chí (hoặc trọng số các tiêu chí) xếp hạng các trường ĐH châu Á. Các bảng xếp hạng khác nhau sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Rồi mỗi tổ chức xếp hạng sẽ có cách lấy dữ liệu khác nhau. Có tổ chức tự thu thập dữ liệu, có tổ chức cần phải cung cấp dữ liệu...
Muốn đánh giá vì sao các trường ĐH ở Việt Nam không xuất hiện trong bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á của THE Ranking (nhưng lại có một số trường xuất hiện trong bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á theo QS Ranking) thì cần phải xem xét các tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á theo THE Ranking.
TS Tân cho biết THE Ranking sử dụng cùng bộ 13 tiêu chí đánh giá cho bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới và bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á (cái này khác với QS Ranking). THE Ranking chỉ điều chỉnh trọng số một chút cho phù hợp với các trường châu Á (theo quan sát thì sự điều chỉnh này là không đáng kể). Trong khi đó, QS Ranking lại sử dụng 2 bộ tiêu chí khác nhau đáng kể, kể cả trọng số cho từng tiêu chí cho việc xếp hạng các trường ĐH thế giới và bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á. "Điều này cho thấy mức độ "nghiêm khắc" trong cách đánh giá của THE Ranking cao hơn QS Ranking, nghĩa là các ĐH ở châu Á trong đó có Việt Nam sẽ cạnh tranh trong bảng xếp hạng của THE theo các tiêu chí chung của thế giới chứ không phải theo một số tiêu chí "đặc thù" như QS Ranking" - TS Tân nhận định.
Không thỏa mãn các tiêu chí
Các chuyên gia đều có chung nhận định hầu hết các tiêu chí xếp hạng của THE Ranking là thách thức rất lớn đối với các ĐH Việt Nam. Hay nói cách khác, các tiêu chí đánh giá của THE Ranking hầu hết lại là điểm yếu của tất cả các ĐH ở Việt Nam, hoặc phần lớn là đang ở mức rất yếu so với các trường trong khu vực và trên thế giới.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết THE xếp hạng ĐH dựa vào 5 tiêu chí lớn tương ứng với tỉ trọng điểm gồm: giảng dạy 30% điểm; nghiên cứu 30% điểm; trích dẫn 30% điểm; quốc tế hóa 7,5% điểm; thu nhập từ chuyển giao công nghệ 2,5% điểm. Muốn tham gia xếp hạng, chưa nói có tên trong tốp 400 hay không thì các trường phải có những tiêu chuẩn nhất định. "Soi vào các tiêu chí của THE Ranking, các ĐH của Việt Nam gần như là yếu toàn diện" - ông Phong nhận định.
Chi tiết hơn, TS Tân chỉ ra 13 tiêu chí đánh giá cho bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới và bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á. Cụ thể: Uy tín về giảng dạy 10%; uy tín về nghiên cứu 15%; tỉ lệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp/đội ngũ giảng dạy 6%; tỉ lệ nghiên cứu sinh/sinh viên 2,25%; tỉ lệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp/số lượng sinh viên tốt nghiệp 2,25%; tổng nguồn thu của nhà trường 2,25%; nguồn thu từ nghiên cứu 7,5%; năng suất nghiên cứu (số bài báo trên các tạp chí uy tín) 7,5%; chất lượng nghiên cứu (tổng số trích dẫn) 30%; tỉ lệ sinh viên quốc tế/sinh viên nội địa 2,5%; tỉ lệ giảng viên quốc tế/giảng viên nội địa 2,5%; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu 2,5%; nguồn thu từ chuyển giao công nghệ cho thị trường 7,5%.
Theo TS Tân, điểm đáng lưu ý là chỉ số uy tín về giảng dạy và uy tín về nghiên cứu thì THE lấy dữ liệu khảo sát từ chính cơ sở dữ liệu của họ chứ không phải lấy dữ liệu khảo sát từ dữ liệu được cung cấp bởi chính các ĐH như QS Ranking.
"THE là một bảng xếp hạng ĐH nghiêm túc. Việc thẩm định và xếp hạng của họ dựa trên nhiều tiêu chí; trong đó, chủ lực là thành tựu của từng ĐH về giáo dục, nghiên cứu, chuyển giao; và kết quả nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế được xem là tiêu chí trung tâm" - TS Lê Văn Út, Trưởng Phòng Quản lý phát triển khoa học công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nói.
TS Út cho biết THE có tiêu chuẩn cứng để loại bớt những ĐH còn yếu về nghiên cứu khoa học. Cụ thể, một ĐH mà mỗi năm (trong 5 năm gần nhất) có tổng số công trình trên các tạp chí Scopus dưới 150 bài/năm thì không được họ xem xét. Đương nhiên, khi một ĐH đã vượt qua tiêu chuẩn cứng rồi thì sẽ được xem xét tiếp tiêu chí thứ 2 là để được xếp hạng, thông thường, tổng số công bố quốc tế trên Scopus của một ĐH trong 5 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 1.500 bài (tương đương 300 bài/năm) với điều kiện không có năm nào dưới 150 bài. Sau đó mới tính đến các tiêu chí khác. Dễ thấy rằng Việt Nam chưa có ĐH nào thỏa mãn được điều này trong thời gian từ năm 2013 đến hết năm 2017 (dữ liệu để xếp hạng vừa rồi của THE được tính đến hết năm 2017).
5-10 năm nữa vẫn khó được xếp hạng
Theo TS Lê Văn ÚT, với tình trạng đa số trường ĐH trong Top 40 của Việt Nam chỉ có mức công bố bình quân trên dưới 100 bài Scopus/năm (rơi vào tiêu chí loại) thì rõ ràng là khoảng 5 -10 năm nữa, đa số vẫn chưa vào được bảng của THE; trừ vài trường ĐH đứng đầu. "Đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế, do đó là con đường quan trọng nhất để được xếp hạng trong bảng xếp hạng danh giá này" - TS Lê Văn Út kết luận.
ĐH phải giải quyết những thách thức của xã hội
Sáng 7-5, tại TP HCM diễn ra buổi đối thoại "ĐH - Doanh nghiệp: Thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục ĐH". Buổi đối thoại do Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CONFRASIE), ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) phối hợp tổ chức.
Các ý kiến thảo luận tại buổi đối thoại khẳng định vai trò của tiến trình chất lượng trong giáo dục ĐH; nhu cầu hiểu rõ thị trường, môi trường biến động nhanh chóng, chương trình đào tạo cập nhật; nhu cầu chia sẻ thông tin đào tạo giữa các trường; thiết kế chương trình đào tạo theo chuẩn năng lực đầu ra; sự đóng góp của doanh nghiệp, trong đó có việc tham gia thiết kế chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, đào tạo giảng viên, môi trường thực hành...
Từ những yêu cầu trên, các đại biểu tham dự đưa ra đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành thể chế hóa cơ chế hợp tác, đối thoại giữa ĐH với doanh nghiệp; phát triển các hệ thống công cụ xác định nhu cầu đào tạo của các nước trong vùng, đồng thời chú trọng các năng lực tổng hợp, chuyển đổi, thích ứng; có thời gian trao đổi thảo luận cùng chung tay phát triển các giải pháp phù hợp với sự tham gia của các nhân tố liên quan; AUF cần tăng cường định hướng chiến lược về trách nhiệm xã hội của trường ĐH và duy trì nguồn tài chính hỗ trợ các dự án chiến lược...
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định chủ đề buổi đối thoại là mối quan tâm sâu sắc của các trường ĐH Việt Nam, là vấn đề của tất cả trường ĐH trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển làm thế nào để chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội để các hoạt động nghiên cứu có thể góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển xã hội. Điều này còn thể hiện ở việc xem trường ĐH không chỉ là một đơn vị tự chủ mà còn gánh vác trách nhiệm đối với những thách thức mà xã hội, cộng đồng đang phải đương đầu.
Bình luận (0)