Theo lộ trình kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, đến hết năm 2017, sẽ có 35% số cơ sở giáo dục ĐH và 10% số trường CĐ sư phạm được kiểm định. Mục tiêu đến năm 2020 là đánh giá ngoài xong vòng 1 đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế.
4 trung tâm kiểm định hàng trăm trường
Bộ GD-ĐT cũng kỳ vọng sau 3 năm nữa sẽ thực hiện tốt và đi vào nền nếp việc công nhận/không công nhận đạt tiêu chuẩn và công khai kết quả KĐCL giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở đào tạo cho xã hội biết và giám sát.
Trước việc Bộ GD-ĐT đẩy mạnh công tác kiểm định và đưa ra những con số cụ thể trong năm 2017, không ít chuyên gia băn khoăn liệu việc KĐCL có đi vào thực chất hay là chạy theo số lượng để đạt thành tích. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hiện nay công tác KĐCL còn nhiều khó khăn.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCL - Bộ GD-ĐT, cho biết nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường ĐH hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các trường mới ở mức độ chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, cho đến nay, mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song những chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định chưa mạnh. Ngoài ra, các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục ĐH, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.
Hiện có 4 trung tâm KĐCL được thành lập và đã đi vào hoạt động là Trung tâm KĐCL ĐHQG Hà Nội, Trung tâm KĐCL ĐHQG TP HCM, Trung tâm KĐCL ĐH Đà Nẵng, Trung tâm KĐCL Hiệp hội ĐH - CĐ Việt Nam. “Dù là mô hình mới nhưng các đơn vị đã rất nỗ lực cùng Bộ GD-ĐT, đến nay đã đánh giá ngoài 32 cơ sở giáo dục ĐH. Với nguồn lực là 4 trung tâm như hiện nay, với sự cố gắng nỗ lực, chúng ta cũng có thể hoàn thành được” - ông Trinh hy vọng.
Có đủ người để đánh giá?
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ này, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có một số giải pháp như hỗ trợ cho các trung tâm này mạnh thêm lên, hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai là xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu đánh giá, nhu cầu của các hoạt động hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Song song với việc tiến hành KĐCL theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bằng cách vận hành như vậy, việc kiểm định sẽ có sự chuyển biến và đạt được tiến độ đề ra” - ông Trinh cho biết.
Nói thêm về công tác kiểm định, GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm KĐCL giáo dục ĐHQG Hà Nội, cho rằng nên đặt vấn đề theo hướng là những người đi đánh giá có đủ số lượng không. “Số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá, số lượng kiểm định viên bao nhiêu người. Ví dụ ở những trường trong khu vực, Philippines chẳng hạn, họ có 2 cơ quan kiểm định cho khoảng 1.000 trường ĐH, các trường trong ASEAN chỉ có 1 cơ quan kiểm định, Mỹ thì có 6 cơ quan kiểm định cho 4.000-5.000 trường ĐH. Quan trọng ở đây là số lượng người đi đánh giá chứ không phải số lượng trung tâm, số lượng trung tâm phát triển tới một mức độ nào đó thì sẽ dẫn đến hệ quả là chất lượng hoạt động trung tâm sẽ giảm đi bởi nó đưa đến hiện tượng cạnh tranh không đồng đều” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng nói thêm nhiều người ví các trung tâm kiểm định như bệnh viện nhưng theo chuyên gia này, bệnh viện mang tính chất y tế dự phòng hơn mang tính chất lâm sàng, khi phát bệnh mới đến. Cơ quan kiểm định phải giống như y tế dự phòng, làm sao phòng ngừa để không xảy ra bệnh tật. Đó là lý do tại sao trong kiểm định hay yêu cầu tính định kỳ, định kỳ đánh giá 5 năm/lần, định kỳ rà soát chương trình đào tạo 2 năm/lần...
Theo thống kê, hiện có hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên. Tuy nhiên, nguồn lực về con người vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất của KĐCL giáo dục.
Công khai chất lượng trong tuyển sinh
Bộ GD-ĐT cho hay từ năm 2017, các trường phải công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong đề án tuyển sinh. Từ năm 2018 phải công bố đầy đủ, trong đó tập trung vào tỉ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường. Nếu các trường không công khai sẽ không được tuyển sinh. Việc công khai này do các trung tâm kiểm định thẩm định và xác thực.
Đánh giá về quy định mới này, ông Mai Văn Trinh cho rằng việc công khai các thông tin như trên sẽ có lợi cho các trường. Đây là cách quảng cáo hiệu quả mà lâu nay các trường không biết cách làm.
Bình luận (0)