Sự lúng túng, thiếu hiệu quả trong kiểm định chất lượng giáo dục của các trường ĐH, CĐ được TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, nêu lên tại hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, do Bộ GD-ĐT tổ chức qua 5 cầu truyền hình Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM sáng 25-12.
Khó từ khái niệm
“Có trường thành lập đơn vị bảo đảm chất lượng, nhưng lại giải thể do không rõ chức năng và nhiệm vụ, không biết phải triển khai những công việc gì”. Điều TS Nguyễn An Ninh đề cập đã phần nào thể hiện sự mất phương hướng của các trường trong việc kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua.
Thậm chí, có trường thừa nhận họ chưa có ý niệm rõ ràng về công tác bảo đảm chất lượng và sự khác nhau giữa các khái niệm như đánh giá chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Chính 20 trường ĐH đầu tiên đã hoàn thành việc tự đánh giá và đánh giá ngoài theo các văn bản hướng dẫn của bộ và sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài cũng thừa nhận họ cảm thấy rất “lấn cấn” trong việc thực hiện, đặc biệt là làm sao để đáp ứng đủ các tiêu chí mà bộ đề ra.
Khó về chuyên gia, kinh phí
41 trường ĐH, CĐ đang chờ đánh giá ngoài
Trong 3 năm qua, 173 trường ĐH và 178 trường CĐ đang triển khai tự đánh giá, trong đó 20 trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đã được đánh giá ngoài; 27 trường ĐH và 16 trường CĐ đã hoàn thành tự đánh giá và đang chờ đánh giá ngoài. Đến tháng 5-2009, 90% trường ĐH, CĐ phải hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đến năm 2010 có ít nhất 80% số trường ĐH và 50% số trường CĐ được đánh giá ngoài. |
Vấn đề nan giải nhất mà các trường phải đối mặt đó là thiếu đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này. PGS-TS Trịnh Thị Bình, ĐH Huế, cho biết đội ngũ bảo đảm chất lượng của ĐH Huế là những cán bộ giảng dạy, đảm trách công việc theo kiểu “vừa học, vừa làm”, thiếu chuyên môn nên không tránh khỏi sự lúng túng. Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn An Ninh cũng thừa nhận: “Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục vừa thiếu vừa yếu”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường, cũng như giảng viên, sinh viên vẫn chưa nhận thức tầm quan trọng của công tác này. “Khi tiến hành đánh giá thí điểm, nhiều thành viên trong ban giám hiệu cho rằng đây là việc chiếm nhiều thời gian, không thiết thực”- TS Nguyễn Kim Hồng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nói về thực trạng trường mình. TS Hồng kể: Nhiều giảng viên khi được triệu tập trong các đợt tập huấn, các cuộc họp tiếp xúc với đoàn đánh giá ngoài đã không đến dự.
Dưới góc độ người tham gia làm công tác này, thạc sĩ Nguyễn Văn Năm, Trường CĐ Y tế Bình Thuận, cho rằng nguyên nhân nhiều giảng viên chưa tha thiết với công tác kiểm định là vì họ phải kiêm nhiệm thêm công việc này nhưng không được trả thêm chi phí. Trong khi đó, các trường cho rằng kinh phí cho việc kiểm định chất lượng khá tốn kém nhưng tài chính rất eo hẹp nên đã hạn chế rất nhiều việc thực hiện kiểm định chất lượng.
Khó thực hiện?
Đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Văn hóa của kiểm định là minh chứng, muốn có minh chứng, các nhóm chuyên trách phải khai thác tài liệu của trường hoặc các tổ chức điều tra. Có những tài liệu mà tiêu chí cần lại không có nên việc thực hiện rất khó khăn và phức tạp”.
TS Nguyễn Kim Hồng lo lắng: “Bộ quy định 53 tiêu chí thì phải đưa ra ít nhất 53 kế hoạch hành động và đòi hỏi nguồn kinh phí cụ thể. Đây là việc khó thực hiện trong thời gian từ 4-6 tháng như quy định của bộ”. Cùng nỗi lo trên, TS Dương Mậu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng ĐH Đà Nẵng, cho rằng đến tháng 5-2009, các trường ĐH phải hoàn thành báo cáo tự đánh giá là thời gian quá ngắn. Nhiều đại biểu lo ngại sẽ diễn ra tình trạng các trường tiến hành kiểm định theo kiểu “làm cho có”, đối phó với yêu cầu của bộ mà không đánh giá đúng thực chất về mình.
Để giải quyết những bất cập trên, TS Nguyễn An Ninh cho biết bộ sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH, đồng thời sẽ xem xét hình thành tổ chức đánh giá chất lượng độc lập để đẩy nhanh tiến độ đánh giá ngoài và công nhận các trường ĐH, CĐ đạt chất lượng.
Bình luận (0)