Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tại Hải Phòng trong 2 ngày 27 và 28-7, TP HCM cùng 4 địa phương khác là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng vừa có những đề xuất đến Chính phủ và Bộ GD-ĐT.
Giảm áp lực hệ thống công lập
Đề xuất nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cụm trưởng cụm thi đua số 1, một trong những giải pháp trọng tâm của năm học 2022-2023 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW và các chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực GD-ĐT; cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT, trong đó, thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của các cấp về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục. Đa dạng hóa việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường và xã hội (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Pháp...). Các đơn vị, trường học tổ chức việc dạy học môn thể dục tự chọn theo năng lực của học sinh; đa dạng hóa các CLB trong nhà trường. Kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có văn bản chính thức về việc điều chỉnh lộ trình học phí, nhất là học phí năm học 2022 - 2023...
Theo lãnh đạo các sở GD-ĐT, với đặc thù là những thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, lãnh đạo các sở đã có nhiều đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ và Bộ GD-ĐT nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập.
Trong các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, lãnh đạo các sở GD-ĐT kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể việc phân loại trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận trong Luật Giáo dục năm 2019...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nêu đề xuất tại hội nghị. Ảnh: MINH THÔNG
Giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho chương trình mới
Trong khi đó, với Bộ GD-ĐT, TP HCM cùng 4 sở GD-ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đề xuất bộ chỉ đạo và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn học mới theo Chương trình 2018 đối với các cơ sở giáo dục ĐH để đáp ứng nhu cầu giáo viên thực hiện chương trình. Hướng dẫn cơ chế bố trí kinh phí ký hợp đồng giáo viên thiếu so với định mức quy định của bộ tại các cơ sở giáo dục không có nguồn thu. Xem xét có thêm những định hướng mới, như cho phép tổ chức các trung tâm hỗ trợ học sinh học tập các nhóm môn học đặc thù. Xây dựng biểu cơ cấu tỉ lệ giáo viên môn học của chương trình 2018 để thống nhất trong toàn quốc...
Cũng theo đề xuất của các sở, hiện nay quy định về chế độ tuyển thẳng vào THPT chưa tạo được sự tự chủ trong công tác tuyển sinh của các địa phương, chưa tạo được sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục. Cụ thể, các trường chuyên thuộc ĐH đều tự đặt chế độ tuyển thẳng với đối tượng học sinh không được quy định trong quy chế tuyển sinh, như đối tượng học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP... Chính vì vậy, các sở đề nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 7 quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT. Đồng thời, đề nghị tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia đối với môn ngoại ngữ đã triển khai dạy học tại 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp
Các sở GD-ĐT thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương cũng đề xuất Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT của chương trình 2018 để các sở GD-ĐT địa phương thuận lợi trong công tác xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đề nghị bộ giao quyền chủ động cho địa phương về việc giao chỉ tiêu lớp thường và xem xét bổ sung hoặc giao tự chủ trong công tác tuyển thẳng học sinh giỏi vào các trường THPT chuyên giúp tỉnh, thành thực hiện các cơ chế đặc thù phát triển của các địa phương.
Bình luận (0)