Trước khi lên máy bay, hành lý của bạn chỉ cần từ điển, máy tính, một ít quần áo và một ít món ăn mà bạn thích (tuyệt đối không mang thức ăn làm từ thịt, chẳng hạn chà bông và trái cây, hạt giống, nếu mang theo, bạn sẽ bị phạt ít nhất 300 USD). Sở dĩ bạn chỉ cần mang ít quần áo vì quần áo, giày dép… ở Mỹ rất rẻ, đẹp, “hàng hiệu” và phù hợp với thời tiết. Chưa kể, quần áo sau khi giặt xong sẽ được sấy bằng máy, chắc chắn đồ bạn mang qua sẽ bị rút lại, có khi không mặc được nữa.
Những việc cần làm
Nếu có điều kiện, bạn nên ở ký túc xá vì đây là môi trường thuận lợi để bạn nói tiếng Anh, khả năng ngoại ngữ của bạn sẽ tiến bộ rất nhanh. Chưa kể, bạn sẽ không lo việc đi lại, ăn uống… Nhưng giá ở ký túc xá khá cao, khoảng 1.000 USD/tháng.
Phần lớn du học sinh Việt Nam đều ra ngoài thuê phòng, ngay cả sinh viên bản địa học xa nhà cũng thuê phòng vì chi phí rẻ hơn. Một căn phòng gồm đầy đủ điện, nước, internet giá từ 300-500 USD. Tiết kiệm hơn nữa, bạn nên “share” phòng với sinh viên cùng trường bằng cách xem thông tin trên bảng thông báo của trường. Đối với những bạn học các trường gần khu đông người Việt thì dễ dàng tìm phòng trong các tờ báo của người Việt. Tuy nhiên, bất khả kháng bạn mới nên ở cùng người Việt vì sẽ không có cơ hội nói tiếng Anh thường xuyên.
Sau khi có nơi ở, bạn cần đến DMV (Department of Motor Vehicles) để làm thẻ chứng minh nhân dân (ID card). Bởi đến đâu bạn cũng được hỏi “ID” nên thẻ này sẽ thay thế hộ chiếu của bạn trong suốt thời gian ở Mỹ. Thẻ này cũng đồng thời là bằng lái xe nếu sau này bạn thi đậu bằng lái xe. Làm thẻ này rất đơn giản, bạn lên Google tìm địa chỉ DMV nơi gần bạn nhất và mang theo hộ chiếu để chụp hình, làm thẻ. Lệ phí hiện nay là 32 USD, sau một tuần, thẻ sẽ được gửi đến địa chỉ bạn ở.
Phương tiện di chuyển phổ biến là xe buýt. Tuy nhiên, trừ một số bang đất chật người đông như New York, Washington D.C., Boston… thì các bang khác do đất rộng, hạ tầng đường sá tốt nên xe buýt cũng không là lựa chọn vì ô tô rất rẻ. Chỉ cần hơn 2.500 USD, bạn có thể mua một ô tô cũ để thuận tiện cho việc đi lại. Do vậy, trước khi sang Mỹ, bạn nên tập lái xe. Khi sang, chỉ cần thi lý thuyết và nhờ người quen hướng dẫn vài lần là bạn có thể thi lấy bằng lái.
Chọn thầy và mua sách
Trước khi đăng ký môn học, bạn nên “chọn thầy” để bạn biết thầy dạy dễ hay khó, cho điểm “mắc” hay “rẻ”, tính tình ra sao… Thông tin về giảng viên có đầy đủ trên trang web của trường và cả đánh giá của sinh viên. Nhưng đôi khi vẫn bị “tổ trác”. Lần đó người viết bài này chọn môn ngữ văn, thầy giáo dạy rất thu hút. Tuy nhiên, bài tập thầy cho về nhà rất nhiều, viết luận mỏi cả tay. Thử tưởng tượng bạn buộc phải đọc hết một cuốn sách, sau đó tóm lại trong vài trang giấy và việc này liên tục cho đến hết môn học này thì thật khủng khiếp.
Ngoài học phí đắt đỏ thì tiền sách cũng không rẻ. Một cuốn sách trung bình từ 60-100 USD, một học kỳ bạn chọn ít nhất 5 môn thì tiền sách cứ thế nhân lên. Bạn cũng không thể sao y sách vì phải theo luật bản quyền. Để không phải tốn nhiều tiền, bạn nên lên mạng mua sách hoặc thuê sách. Giá chỉ bằng 1/3 cuốn sách mua mới, khi học xong, bạn lại rao bán sách cho khóa sau.
Làm thêm: Dao hai lưỡi
Sau khi đã an tâm đến nơi ăn ở, đi lại, học hành thì làm thêm sẽ giúp bạn nâng cao ngoại ngữ và nhất là kiếm được tiền. Tuy nhiên, làm thêm hợp pháp trong trường như phòng lab, thư viện, quầy sách, quán ăn… lương không cao và phải đóng thuế. Trong khi đó, làm thêm ngoài trường như làm móng, chạy bàn, rửa chén, cắt cỏ, giao báo… chủ yếu là tiền mặt trao tay, không phải đóng thuế nên bạn sẽ dễ bị sa ngã. Chưa kể, làm ngoài trường là làm chui, rất dễ bị phạt.
Từng có rất nhiều trường hợp làm chui như làm móng kiếm hàng ngàn USD/tháng, có tiền mua sắm liên tục nhưng đổi lại, bạn phải nghỉ học để đi làm. Hay làm chui không phải đóng thuế nên bị chủ bóc lột mà bạn không dám đòi hỏi. Chẳng hạn, quy định lương tối thiểu từ 8 USD/giờ (tùy bang) nhưng chủ chỉ trả 6 USD/giờ, tiền thưởng của khách có khi chủ không đưa cho… bạn chỉ biết nín nhịn vì đang làm bất hợp pháp. Do vậy, mục đích du học của bạn là học, đừng để đồng tiền chi phối. Muốn tìm một việc làm hợp pháp, hãy tìm đến trung tâm dịch vụ sinh viên trong trường hoặc xem trên bảng thông báo, website của trường.
Ăn cực rẻ
Chỉ vài USD là bạn có pizza, gà rán, hamburger... Tuy nhiên, đừng ăn suốt ngày vì không tốt cho sức khỏe. Còn ở quán ăn, dù một dĩa ăn gấp đôi dĩa ở Việt Nam, giá trung bình 7-9 USD/món ăn nhưng bạn chỉ có thể ăn vài lần trong tháng. Bởi nếu không phải “đại gia” thì bạn khó sống nổi do còn phải trả thêm tiền thuế, tiền phục vụ ít nhất 15% hóa đơn cho giá một tô phở 7 USD. Còn lại, nấu ăn thì cực rẻ. Đi chợ Mỹ hay chợ Việt Nam mỗi tháng bạn chỉ tốn trên dưới 100 USD cho ngày 3 bữa ăn với thịt, rau, sữa đầy đủ.
Bình luận (0)