Liệu kỳ thi đánh giá năng lực nói chung, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM nói riêng có đủ sức hấp dẫn thí sinh khi hầu hết các trường và phần lớn kết quả tuyển sinh vẫn thuộc về phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Nhiều chỉ tiêu từ thi năng lực
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM được tổ chức lần đầu vào năm 2018. Ngoài các trường ĐH thành viên, đã có 24 trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống ĐHQG TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh vào năm 2019, đã tăng lên 69 trường trong năm 2020.
Nhưng cũng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ĐHQG TP HCM chỉ có thể tổ chức được 1 đợt thi đánh giá năng lực vào ngày 3-8 với 44,56% thí sinh dự thi trong tổng số 53.000 thí sinh đăng ký dự thi, kết quả thấp bất ngờ.
Ở kỳ tuyển sinh này, nhiều trường ĐH thành viên của ĐHQG TP HCM điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển mà các trường đã công bố trong đề án tuyển sinh. Theo đề án, các trường dành từ 40% đến 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực nhưng do lượng thí sinh dự thi không nhiều khiến nguồn tuyển ít nên các trường phải hạ tỉ lệ xét tuyển.
Chưa tới 50% thí sinh tham gia đợt thi đánh giá năng lực năm 2020 tại ĐHQG TP HCM Ảnh: HUY LÂN
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP HCM, cho rằng vì lý do dịch bệnh, kỳ thi năm 2020 được tổ chức sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có kết quả. Nhiều thí sinh nắm chắc phần đậu vào trường đã đăng ký nên không thi nữa. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thí sinh vẫn có tâm lý e ngại nên bỏ thi. Ngoài ra còn một lý do nữa là nhiều em đã trúng tuyển học bạ, trúng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng nên bỏ thi.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết tuy bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng ĐHQG TP HCM vẫn tuyển được 20% chỉ tiêu từ phương thức đánh giá năng lực, tỉ lệ này là chấp nhận được và nhiều trường khác cũng tuyển tốt. Chắc chắn kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 sẽ được quan tâm nhiều hơn và độ hấp dẫn sẽ tăng hơn.
Năm nay, một số trường ĐH thành viên ĐHQG TP HCM đã công bố thông tin tuyển sinh, trong đó có dự kiến tỉ lệ chỉ tiêu theo từng phương thức xét tuyển. Tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM, theo kế hoạch, trường dành tới 70% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, trường dành tới 50% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.
Đánh giá chuẩn đầu ra phổ thông
Năm 2021, ĐHQG Hà Nội dự kiến tổ chức khoảng 4-5 đợt thi, tùy thuộc số lượng thí sinh đăng ký, mỗi đợt khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh. Thí sinh được tự chọn ngày thi, giờ thi, ca thi, được thay đổi ca thi trước 14 ngày dự thi.
Trường cũng dự định chỉ thi ở Trung tâm Khảo thí và một địa điểm khác là Trường ĐH Công nghệ. Bài thi dự kiến gồm 3 phần là tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút), tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút) và khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).
Thí sinh thi trên máy tính và được gán mã Q00. Về cơ bản, cấu trúc bài thi kế thừa trên 90% dạng bài thi của năm 2016 nhưng có 3 điểm mới, đó là phần lựa chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội sẽ gộp lại thành một phần khoa học (bắt buộc). Số câu hỏi điền đáp án sẽ tăng thêm 3 câu ở phần khoa học để giảm khả năng đoán mò của thí sinh. Tổng số câu hỏi điền đáp án là 18 câu. Năm nay tổng điểm bài thi là 150 điểm, điểm bài thi gồm điểm tổng và 3 đầu điểm thành phần tư duy định tính, tư duy định lượng và khoa học, mỗi phần 50 điểm. Thời gian làm bài thi dự kiến 195 phút. Mỗi thí sinh sử dụng một mã đề thi độc lập.
Theo GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH - ĐHQG Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 không chỉ phục vụ công tác tuyển sinh ĐH mà còn là cơ sở đánh giá năng lực của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bài thi ngoài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng, thái độ của người học, đánh giá chung về kết quả học tập bậc THPT... còn góp phần định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân, đưa ra dự báo kết quả học tập bậc ĐH của người học.
Năm 2021, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội sẽ được các trường thành viên sử dụng như một trong nhiều phương thức tuyển sinh. Các trường ĐH ngoài ĐHQG Hà Nội cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này nếu đăng ký.
Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dành khoảng 30%-40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Kỳ thi này được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm của miền Bắc. Thí sinh dự thi bài tổ hợp trong 180 phút, gồm phần bắt buộc có toán (trắc nghiệm, tự luận) và đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút; phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút...
ĐHQG TP HCM tổ chức 2 đợt thi
ĐHQG TP HCM sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2021. Theo đó, thí sinh sẽ đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 15-1 đến 5-3. ĐHQG TP HCM sẽ tổ chức thi đợt 1 vào ngày 28-3 tại TP HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và 2 điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột. Kết quả thi đợt 1 được dự kiến công bố đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 5-4.
Ở đợt 2, ĐHQG TP HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4-5 đến 4-6 và tổ chức thi vào ngày 4-7 tại 4 địa phương TP HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 12-7.
Bình luận (0)