Khó khăn nằm ở khâu tổ chức và điều mà mọi người lo lắng và quan tâm nhất là kỳ thi quốc gia này liệu có kết quả đủ tin cậy để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó tuyển chọn sinh viên vào học trường mình hay không?
Nếu kỳ thi được tổ chức theo cụm ở các địa phương và huy động cả giảng viên ĐH, CĐ về các địa phương coi thi sẽ có sự xáo trộn và phức tạp liên quan tới việc điều động giám thị, kinh phí đi lại, tổ chức ăn ở, coi thi, chấm thi... Vì vậy, kỳ thi quốc gia nên được tổ chức tại các trường ĐH, CĐ. Những thí sinh đăng ký nguyện vọng vào học ở trường ĐH, CĐ nào sẽ thi kỳ thi quốc gia tại trường đó. Những thí sinh không có nguyện vọng học ĐH, CĐ sẽ đăng ký thi tại trường ĐH hay CĐ gần nhất ở địa phương mình.
Về môn thi, tại hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và bàn phương hướng cho năm học tới, Bộ GD-ĐT công bố 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay với những ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án để lấy ý kiến đóng góp từ dư luận. Theo tôi, kỳ thi quốc gia trong những năm đầu tiên nên thực hiện theo phương án 1: thi theo môn. Còn để thực hiện theo phương án 2 thi theo bài với 8 môn và cao hơn là phương án 3 thi theo bài với 11 môn thì Bộ GD-ĐT phải có lộ trình chuẩn bị cụ thể, chi tiết, đồng thời với việc cải cách dạy và học ở các trường phổ thông một cách tương ứng.
Ngoài ra, để kỳ thi quốc gia đạt được mục tiêu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ cũng như thuận lợi cho việc chấm thi, tất cả các môn thi (hay bài thi) đều nên thi trắc nghiệm, riêng môn ngữ văn có thêm phần tự luận. Hình thức thi trắc nghiệm có những ưu điểm là số lượng câu hỏi lớn với nhiều mức độ khó dễ khác nhau sẽ thuận lợi cho việc phân loại học sinh ở các ngưỡng khác nhau: ngưỡng tốt nghiệp THPT, ngưỡng tuyển chọn vào các trường CĐ, ngưỡng tuyển chọn vào các trường ĐH tốp dưới, tốp giữa, tốp trên... Các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy nên nhanh gọn, chính xác, tránh được tiêu cực, thiên vị, cảm tính, bảo đảm sự công bằng cho thí sinh. Chỉ riêng môn văn mới cần huy động giáo viên tham gia chấm thi phần tự luận. Đây là vấn đề rất cần lưu tâm vì nếu kỳ thi quốc gia có nhiều môn thi được tổ chức ở các trường ĐH, CĐ khác nhau thì nhiều trường không có giáo viên chấm thi một số môn. Hơn nữa, trong tương lai, khi thi theo bài, một bài thi sẽ gồm nhiều môn, câu hỏi thi có tính tích hợp, việc chấm thi tự luận sẽ rất phức tạp, còn chấm thi trắc nghiệm bằng máy sẽ dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều.
Bộ GD-ĐT cần quyết định và thông báo sớm về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia, thi theo môn hay theo bài, thi tự luận hay trắc nghiệm, nơi tổ chức thi... để thầy và trò không bị bất ngờ và lúng túng vì không kịp chuẩn bị. Đây là kỳ thi hết sức quan trọng, ảnh hưởng tới hàng vạn thí sinh và gia đình của họ nên có tác động xã hội rất lớn. Việc tổ chức kỳ thi quốc gia thành công hay thất bại phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, chi tiết, chu đáo của Bộ GD-ĐT cũng như của cả hệ thống giáo dục nước nhà.
Bình luận (0)