Tại “Hội thảo và thực tế công tác thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Lạt, đại diện bộ cho biết việc tổ chức ở các cụm thi đều theo quy định của quy chế và quy trình thi giống nhau; tham gia coi thi và chấm thi là lực lượng giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.
Riêng các vùng khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Sau đó, thí sinh có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT tại các cụm này để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, bộ đã làm việc với những trường ĐH dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh (34 cụm thi), với các Sở GD-ĐT để khảo sát thực trạng về nguồn lực và các điều kiện tổ chức cụm thi liên tỉnh tại các địa phương này.
Đến nay, đại đa số các trường ĐH, CĐ dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển, có 428 ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD-ĐT; tất cả các trường này đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, 192 trường (81 trường ĐH, 111 trường CĐ) vừa sử dụng kết quả kỳ thi vừa xét học bạ THPT. Đặc biệt ĐH Quốc gia TP HCM, các ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm, khối y- dược, công an, quân đội đều sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển.
Bình luận (0)