Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã hợp nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây thành một và triển khai được mong muốn của các nhà quản lý giáo dục cách đây gân 10 năm.
Hiệu lực của quy chế hay tính nhân văn?
Khung pháp lý cơ bản nhất để vận hành kỳ thi là quy chế thi THPT quốc gia 2015 được ban hành theo Thông tư 02/2015 ngày 26-2 và các văn bản hướng dẫn triển khai tiếp theo. Việc tuân thủ quy chế này là điều kiện quan trọng bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi, đồng thời đáp ứng được yêu cầu công bằng giữa các cụm thi, hội đồng thi trong điều kiện tồn tại 2 loại hình cụm thi: cụm thi do các trường ĐH chủ trì (38 cụm) và cụm thi do các sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) địa phương chủ trì (61 cụm).
Bộ GD-ĐT đánh giá về kỳ thi là nghiêm túc, an toàn dù có không ít sự cố, như cán bộ coi thi ký nhầm trên giấy thi khiến hội đồng thi phải sử dụng đề thi dự trữ; việc thiếu đề thi phải kéo dài thời gian làm bài ở một hội đồng khác...
Có lẽ do là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi “2 trong 1” nên thông tin đến thí sinh (TS) không kịp thời dẫn đến phải có nhiều điều chỉnh trong quá trình tổ chức thi và ảnh hưởng không ít đến sự tuân thủ các quy chế, quy định. Tại văn bản số 1388 ngày 25-3, Bộ GD-ĐT không cho phép TS thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi sau ngày 30-4 (hạn chót đăng ký thi THPT quốc gia 2015). Cũng theo văn bản này, TS phải phản hồi các thông tin về sai sót (nếu có) trước ngày 5-5 và các sở GD-ĐT sẽ cập nhật các chỉnh sửa này chậm nhất ngày 20-5 để chuyển giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cùng các cụm thi. Thế nhưng ngày 22-5, Bộ GD-ĐT lại ban hành văn bản số 2470 cho phép TS tiếp tục điều chỉnh đến ngày 27-5 các thông tin trong phiếu đăng ký dự thi, kể cả điều chỉnh về môn thi (đồng nghĩa với phủ định văn bản 1388 nêu trên).
Chưa hết, đến ngày 5-6, Bộ GD-ĐT lại ban hành tiếp văn bản số 710 cho phép TS tự do đã đăng ký dự tuyển và sơ tuyển vào các trường thuộc khối quân đội, công an và năng khiếu nếu chưa đăng ký thi THPT quốc gia thì được đăng ký bổ sung đến ngày 11-6. Vẫn chưa hết, ngày 18-6, Bộ GD-ĐT lại ban hành văn bản khẩn số 3030 yêu cầu phải tiếp tục nhận hồ sơ của các TS tự do nêu trong văn bản 710 đến ngày 24-6. Lúc này thì việc đánh số báo danh, xếp phòng thi tại các hội đồng thi đã hoàn tất từ ngày 10-6 theo kế hoạch thi do chính Bộ GD-ĐT đề ra nên việc dồn số TS này vào một số phòng thi và một số điểm thi là phương án dễ nhất. Như vậy, từ quy định ban đầu không được điều chỉnh thông tin thi sau ngày 30-4 (chỉ được điều chỉnh nếu do sai sót), sau đó kéo dài đến gần 2 tháng và tận sát ngày thi.
Tại điều 14 quy chế thi THPT quốc gia 2015 nêu rõ “thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi đó...”. Thế nhưng, khi có TS “quên” dự thi (đồng nghĩa với việc đi muộn 180 phút đối với môn tự luận hoặc đi muộn 90 phút đối với môn trắc nghiệm hoặc đơn giản nhất được hiểu là bỏ thi, vắng thi) thì lại được đề nghị giải quyết cho thi môn khác. Vậy đâu là ranh giới giữa tính nhân văn và hiệu lực của quy chế?
Vi phạm tập trung ở vài điểm thi
Tình hình kỷ luật phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia là một vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết triệt để nhằm bảo vệ tính công bằng, nghiêm túc và chính xác của một kỳ thi với 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp vừa dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
So với năm 2014, số lượng dự thi THPT quốc gia là 1.005.654 TS, đông hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 (chỉ có 910.831) nhưng ít hơn số lượt TS dự 3 đợt thi ĐH, CĐ (khoảng 1,3 triệu lượt). Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là số lượng vi phạm kỷ luật phòng thi từ khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ thi trong năm nay lại tăng gấp 3 lần tổng số vi phạm kỷ luật trong cả 3 đợt thi ĐH, CĐ năm trước (760 vụ năm 2015 so với 260 vụ năm 2014). Tất nhiên hầu hết các vụ vi phạm kỷ luật phòng thi đều xảy ra trong các buổi thi môn tự luận như những năm trước nhưng điều đáng nói là trong năm nay, phần lớn những trường hợp vi phạm kỷ luật phòng thi đều chỉ được phát hiện và xử lý tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Hơn thế nữa, theo thông tin từ các cụm thi tại TP HCM, số trường hợp kỷ luật này thường tập trung ở một vài điểm thi trong cụm thi chứ không phải đều khắp các cụm thi.
Thống kê cũng cho thấy các TS vi phạm hầu hết đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước. Phải chăng kỳ thi này họ chỉ tham gia để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và đã có “trải nghiệm” thi cử nên liều lĩnh sẵn sàng vi phạm quy chế thi?
Những điều này đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp kỹ thuật như xếp phòng thi, phân tách và xáo trộn TS tại các phòng thi chứ không chỉ trông cậy vào nỗ lực coi thi nghiêm túc của các cụm thi. Bên cạnh đó, việc xây dựng quy chế thi phải rõ ràng, thống nhất và ban hành sớm, chứ không phải làm đến đâu sửa đến đó và giải quyết “sự cố” theo giải pháp tình thế như cách làm của Bộ GD-ĐT.
Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho biết sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy chế những trường hợp vi phạm kỷ luật phòng thi, đặc biệt là những trường hợp bị đình chỉ thi. Đây là điều hết sức cần thiết để thể hiện quyết tâm chấn chỉnh thi cử, đổi mới giáo dục.
Bình luận (0)